Phát triển bền vững thị trường điện khí

Tháo gỡ “điểm nghẽn” quy hoạch, cơ chế và giá

Nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, ảnh hưởng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thiếu quy hoạch cụ thể và thiếu cơ chế giá phù hợp đang trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển thị trường khí tại Việt Nam hiện nay. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” do Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức ngày 22-11, tại Hà Nội.

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cùng các đại biểu chủ trì diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cùng các đại biểu chủ trì diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Cần cơ chế đặc thù

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong cho biết, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”, đồng thời “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Trong Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, phát triển điện khí cũng được đánh giá là phù hợp với chủ trương của Việt Nam để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp khí hóa lỏng do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc thì việc triển khai các dự án khí hóa lỏng sẽ gặp trở ngại lớn, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Phân tích kỹ thêm về những vướng mắc, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), cho biết, phát triển điện khí là yêu cầu bắt buộc theo quy hoạch, nên cần tính toán để có chuyển dịch cơ cấu nguồn điện. Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu giảm dần điện than, phát triển điện khí, tăng cường năng lượng tái tạo.

Theo đó, dự kiến đến năm 2030, riêng điện khí LNG nhập khẩu sẽ cần có 24.000MW với hàng loạt dự án đã được đưa vào quy hoạch. Nhưng khó khăn với điện khí LNG là cần vốn đầu tư rất lớn, nên cần đảm bảo hợp đồng bao tiêu sản lượng hàng năm, được ký hợp đồng dài hạn. Trong tổng sơ đồ tính toán thì tổng vốn đầu tư dành cho các dự án điện khí tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là khoảng 57 tỷ USD, nhưng với mức đầu tư lớn và thiếu cơ chế thích hợp thì điều này vẫn đang là trở ngại. Vấn đề khó khăn nữa là do mức đầu tư lớn nhưng các dự án điện khí LNG cần có bảo lãnh của Chính phủ, song đến nay điều này vẫn chưa được chấp thuận.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính: Khi nói đến thị trường khí, mà trọng tâm ở đây là điện khí thì phải nói đến quy hoạch, không có quy hoạch thì không thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng rất quan trọng để phát triển điện khí, liên quan đến cả cảng nước sâu, phải có các quy chuẩn quốc tế, kho chứa, cam kết bao tiêu điện đầu ra...

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Song quy hoạch như thế nào, triển khai ra sao lại rất quan trọng. Có những dự án sau khi triển khai nhưng đến nay cũng đang gặp phải trở ngại như dự án điện khí ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) ở khâu cam kết bao tiêu đầu ra, đây là một ví dụ điển hình mà trong quy hoạch các dự án sau này chúng ta phải hết sức lưu ý.

Do đó cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính:

Tôi cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước. Sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư.

Giải bài toán về giá

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, cho rằng, việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn, nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.

Cụ thể, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, về cầu, quan trọng cho khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ. Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70%-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Đồng thời, cần nghiên cứu thành lập một hoặc một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, vấn đề đặt ra đối với thị trường điện khí ở Việt Nam hiện nay không chỉ phải vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh với cả khu vực mà trong quy hoạch điện khí cũng cần phải đi trước một bước, đó là lường trước được những kịch bản, kể cả những biến động trên thị trường khu vực và thế giới.

“Tôi cho rằng có 2 vấn đề cần lưu ý đối với điện khí. Thứ nhất, cần phải thuyết phục thêm bằng những lập luận bằng chứng, nếu chúng ta quá tập trung vào điện khí sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng Việt Nam, nhất là đường vận chuyển qua Biển Đông. Thứ hai, có ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ được lựa chọn là điểm trung chuyển khí của khu vực Đông Nam Á. Như vậy, tính toán và quy hoạch về phát triển điện khí cần phải đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực”, TS Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh là cần quan tâm tới thị trường, tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng, cơ chế thị trường phải hoàn toàn theo thị trường của dầu khí. “Chúng ta có duy nhất tổng kho 1 triệu tấn, trong Quy hoạch điện VIII, nhiều tỉnh có quy hoạch điện khí, nhiều nơi mong chuyển đổi từ than thành điện khí. Các doanh nghiệp bao giờ cũng hướng tới lợi ích và mong muốn thị trường phải được phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng. Việc điều tiết của Nhà nước là đảm bảo ổn định chính trị”, ông Nguyễn Hùng Dũng nhận xét.

Lời cảm ơn!

“Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” diễn ra ngày 22-11-2023 do Báo SGGP tổ chức đã thành công tốt đẹp. Tham dự diễn đàn có gần 200 đại biểu gồm: đại diện các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp…

Ban tổ chức ghi nhận, tổng hợp, chắt lọc các ý kiến để gửi tới các cơ quan chức năng liên quan nhằm góp phần thúc đẩy cải cách chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế thị trường.

Nhận định phát triển điện khí là xu thế tất yếu, phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, nếu có điều kiện, Báo SGGP sẽ tiếp tục kết nối, tổ chức các diễn đàn, hội thảo về vấn đề này.

Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các chuyên gia tài chính, kinh tế. Ban tổ chức cũng xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam, Công ty Cổ phần AAKER trong việc tổ chức diễn đàn.

BAN TỔ CHỨC - BÁO SGGP

Tin cùng chuyên mục