Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo Bệnh viện (BV) K và BV Bạch Mai chuyển từ tự chủ toàn diện (theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15-9-2019) sang tự chủ chi tiêu thường xuyên (theo Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21-6-2021) sau gần 3 năm thực hiện thí điểm. Mặc dù tự chủ BV là chính sách lớn của nhà nước và là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng theo các chuyên gia, quá trình triển khai thực hiện tự chủ BV ở nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần sớm có cơ chế để giải quyết.
Bệnh viện “hụt hơi”
Tại TPHCM, sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên (từ thực hiện tự chủ theo Nghị định 10/2002 cho đến Nghị định 43/2006, và hiện nay chuẩn bị thực hiện theo Nghị định 60/2021), kết quả đạt được rõ nét nhất là ngân sách thành phố chi cho lĩnh vực y tế đã giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (năm 2020); một số BV phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh. Đến nay, 45/50 BV công lập trực thuộc Sở Y tế TPHCM đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Tuy nhiên, trong quá trình tự chủ, nhiều BV rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là các BV đa khoa. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nguyên nhân là do tỷ trọng nguồn thu từ khám chữa bệnh BHYT của các BV này quá cao. Các BV đa khoa có tỷ trọng nguồn thu từ khám chữa bệnh BHYT chiếm trên 70%, nguồn thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30%. Các BV chuyên khoa có tỷ trọng ngược lại, ít lệ thuộc vào khám chữa bệnh BHYT. Do đó, khi cơ chế thanh toán khám chữa bệnh BHYT chưa ổn định như hiện nay, các BV đa khoa phải chịu nhiều tác động.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã bổ sung một số quy định về tài chính, trong đó có quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước: “Cơ sở khám chữa bệnh được nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao”. Bên cạnh đó, bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, trong khi một số BV chuyên khoa có số dư quỹ phát triển sự nghiệp (từ nguồn chênh lệch thu - chi theo quy định) ngày càng lớn, thì các BV đa khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc trích lập quỹ này. Thậm chí, một số BV không có nguồn để trích lập, gặp khó khăn trong phát triển BV như sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đào tạo nhân viên... “Chênh lệch thu - chi của BV đã quyết định đến thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế; trong đó, các BV đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các BV chuyên khoa. Điều này khiến cho tần suất nghỉ việc của nhân viên tại BV đa khoa cao gấp 2 lần so với các BV chuyên khoa (8% so với 4%)”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Trước đó, cuối năm 2022, Bộ Y tế đã có báo cáo và kiến nghị về việc xin dừng thực hiện thí điểm tự chủ của BV K và BV Bạch Mai. Nguyên nhân được lãnh đạo 2 BV này chỉ ra, trong quá trình triển khai, cơ chế tự chủ BV chưa được thực hiện đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ; vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, “ranh giới” giữa đúng và sai về các quy định pháp luật trong thực hiện tự chủ BV còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn những rủi ro, nhất là đối với những người triển khai, thực hiện. Để các BV thực hiện tự chủ một phần, thường xuyên hay toàn diện thì cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể.
Tìm hướng đi tự chủ
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện trạng của BV Bạch Mai, BV K có thể cũng là tương lai gần của của một số BV đang thực hiện tự chủ toàn diện hoặc tự chủ một phần. Tự chủ BV là chính sách “cởi trói” y tế, BV sẽ được tự quyết mọi hoạt động từ chuyên môn đến nhân sự, tài chính. Tuy nhiên, các thông tư, hướng dẫn quy định khi thực hiện “tự chủ” lại lệch về hướng xã hội hóa; trong khi vấn đề cốt lõi nhất khi tự chủ BV là tự quyết định nhân sự, nguồn lực, nhưng trên thực tế các BV cũng không được quyền tự quyết.
“Cần sớm có tổng kết việc tự chủ BV để đưa ra các giải pháp cụ thể, lo được cho những người yếu thế và góp sức để có được một hệ thống y tế công lập tuân thủ theo tôn chỉ mục đích chăm sóc sức khỏe người dân, hoàn thành nhiệm vụ an sinh xã hội”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị.
Trong khi đó, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, để ổn định nguồn thu chính đáng cho các BV, cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, bởi đây là trở ngại dễ thấy và ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các BV trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính. Hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành công khi chuyển đổi các BV công lập sang mô hình tự chủ chính là điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ và thay đổi cấu trúc quản lý BV tương ứng.
“Trong bối cảnh chưa thể chuyển đổi cấu trúc quản lý của các BV tương thích với mô hình tự chủ tài chính như kinh nghiệm của các nước, Sở Y tế đã đề xuất UBND TPHCM thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ BV. Hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính; đồng thời tham mưu UBND TPHCM các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các BV”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
- GS-TS LÊ VĂN QUẢNG, Giám đốc Bệnh viện K:
Chuyển đổi phù hợp với thực tế
Khi thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33, cơ hội có không ít nhưng thách thức cũng rất nhiều nên bệnh viện (BV) xin dừng và chuyển sang hoạt động theo nhóm 2 của Nghị định 60. Việc chuyển đổi này là phù hợp với tình hình thực tế vì BV cần nhà nước đầu tư 3-5 năm. Khi chúng tôi có đủ máy móc, có được tích lũy thì lúc đó BV xin tự chủ theo nhóm 1 của Nghị định 60. Như thế sẽ đỡ vất vả cho BV và cũng đảm bảo được an sinh xã hội tốt hơn.
- GS-TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội:
Cân nhắc chọn nhóm tự chủ
Tôi đề xuất tất cả các BV nếu có làm tự chủ thì chỉ làm nhóm 2 (tự bảo đảm chi thường xuyên) và nhóm 3 (tự bảo đảm một phần chi thường xuyên), không làm nhóm 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư). Câu chuyện tự chủ theo nhóm 1 đến đây phải chấm dứt, vì không thể để BV công bị tư nhân hóa, trở thành BV chỉ làm dịch vụ. Như thế trái với đường lối, đạo đức, kể cả trách nhiệm. Điều đó quy ra là không làm tự chủ theo Nghị quyết 33 nữa.
- Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM:
Đánh giá, tổng kết việc thực hiện cơ chế tự chủ
Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp các BV công làm được nhiều việc. Nhưng qua khảo sát cũng thấy, Chính phủ, bộ ngành khi ban hành các văn bản thì chỉ tính trong điều kiện bình thường, không tính các điều kiện khác như dịch bệnh, sự cố bất ngờ; nên khi xảy ra dịch bệnh thì hầu hết đơn vị khó khăn, chỉ trừ một vài đơn vị duy trì được nguồn thu, cân đối thu - chi. Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sẽ kiến nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại việc thực hiện cơ chế tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, trong đó có y tế.
- Ông ĐỖ CHÍ NGHĨA, Đại biểu Quốc hội:
Cần rà soát lại tất cả các điều luật
Để tự chủ BV, cần rà soát lại tất cả các điều luật: Luật Công chức viên chức, Luật Đấu thầu... Bên cạnh đó, phải có quy định rất rõ BV được làm gì và không được làm gì. Nếu không tích hợp các quy định đó thành một hệ thống rõ ràng, cụ thể mà tản mát chỗ này chỗ kia một vài quy định thì khả năng xảy ra rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó, tại một số BV cũng nên thí điểm để có lãnh đạo quản lý về hành chính điều hành riêng và một người đứng đầu phụ trách về chuyên môn.