PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, vì sao Bộ NN-PTNT đề xuất mô hình du lịch canh nông và mô hình này hiện triển khai như thế nào?
* Thứ trưởng TRẦN THANH NAM: Phát triển du lịch nông thôn, cụ thể hơn là phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Bộ NN-PTNT xác định chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP trên cơ sở tích hợp đa giá trị để tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng những người làm du lịch trên cả nước.
Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn dựa trên lợi thế sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương, từng bước định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải…
Theo Thứ trưởng, sản phẩm OCOP có vai trò thế nào với du lịch canh nông và cần làm gì để gia tăng giá trị, hấp dẫn hơn?
* Sau 5 năm, đến nay, cả nước đã có hơn 10.000 sản phẩm OCOP. Các trung tâm OCOP đang hình thành. Các sản phẩm OCOP không chỉ làm gia tăng giá trị nông nghiệp mà còn giúp đa dạng sản phẩm du lịch của các địa phương. Đồng thời, mỗi đặc sản đều mang đặc trưng riêng biệt của mỗi địa phương, vùng miền để thu hút, giữ chân du khách. Các địa phương cần tiếp tục khai thác những sản phẩm lợi thế của mình. Bộ NN-PTNT đã giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn.
Không chỉ để bán sản phẩm OCOP, du lịch canh nông còn là mô hình để khách du lịch tham quan, trải nghiệm, thậm chí lưu trú. Nhưng hiện nay, các hợp tác xã, chủ trang trại, nhà đầu tư lại gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là thủ tục đất đai, nên khó triển khai…
* Qua tổng hợp ý kiến, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất OCOP… thì khó khăn, vướng mắc nhất về đất đai là vấn đề liên quan chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang kinh doanh du lịch. Về chủ trương, chúng ta khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng theo quy định hiện nay, xây dựng cơ sở vật chất (homestay, trạm dừng chân, đường sá…) trên đất nông nghiệp là sai phép, nhất là với những khu vực được quy hoạch đất nông nghiệp.
Theo Luật Đất đai, những nơi đã quy hoạch đất nông nghiệp thì không được xây dựng. Muốn xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp bắt buộc phải lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng. Thêm nữa, du lịch nông nghiệp thường liên quan phát triển trang trại, nhưng hiện nay, trong Luật Đất đai chủ yếu mới đề cập kinh tế trang trại, trong khi khái niệm “du lịch nông nghiệp” lại nêu chung chung, chưa được định danh chính thức. Do đó, để du lịch nông nghiệp có cơ sở phát triển, cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi chính sách này trong Luật Đất đai.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng không thể để chuyển đổi ồ ạt các trang trại thành homestay, farmstay… Trong đó, chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng với một tỷ lệ nhất định đất nông nghiệp sang làm du lịch, thưa Thứ trưởng?
mMục đích của du lịch nông nghiệp - nông thôn là tích hợp đa giá trị, khai thác lợi thế du lịch để phát triển nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị. Do đó, các địa phương cần xác định đất nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì, chứ không phải để chuyển hết làm homestay. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lúa gạo trở thành vấn đề quan trọng của thế giới để đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta càng phải bảo vệ đất nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp Bộ TN-MT nghiên cứu lại các chính sách liên quan đất làm trang trại, đất nông nghiệp hợp tác xã và xây dựng nghị định về kinh tế trang trại, trong đó có đất trang trại, nhưng sẽ có quy định tỷ lệ nhất định về đất nông nghiệp phải giữ lại để đảm bảo sản xuất. Bộ NN-PTNT cùng các bộ ngành liên quan sẽ có các bước đánh giá, rà soát và hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hơn nữa cơ chế, chính sách, nguồn lực để tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp - nông thôn phát triển.