Sẽ tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế
Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, phản ánh Bộ Tài chính đang coi xuất khẩu gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế, do có một số doanh nghiệp (DN) gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong xuất khẩu. Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định: “Không coi ngành chế biến gỗ là ngành có rủi ro trong việc hoàn thuế GTGT”. Theo Luật Quản lý thuế, việc hoàn thuế phân thành 2 loại “hoàn trước - kiểm sau” và “kiểm trước - hoàn sau”. Hiện nay, mỗi năm có 150.000-170.000 tỷ đồng hoàn thuế thì 80% là cục thuế thực hiện “hoàn trước - kiểm sau”. Riêng đối với ngành gỗ, từ năm 2022 đến nay, số tiền hoàn thuế là 17.400 tỷ đồng (chiếm 95%) và chỉ còn 5% là cơ quan thuế đang kiểm tra hồ sơ thuế.
Về các hồ sơ chưa hoàn thuế, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, chính sách thuế đối với DN gỗ xuất khẩu hiện nay đang là 0%, còn thu mua gỗ rừng trồng đang không phải chịu thuế. Các DN trực tiếp thu mua đều không vướng mắc về đầu vào gỗ, chỉ có một số DN thu mua qua nhiều “cầu” thì khi cơ quan chức năng kiểm tra không làm rõ được con số.
Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản trả lời về việc này. Trong tuần tới, Bộ Tài chính tiếp tục họp với các DN đang có vướng mắc về vấn đề này.
Về việc giảm thuế suất đối với xuất khẩu sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31), Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đề nghị có cùng mức thuế suất là 0%, tương ứng như thuế suất áp dụng đối với các sản phẩm viên nén khác. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, bộ đã có tờ trình về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu, có tiếp thu ý kiến này và đa số ý kiến các bộ, ngành đều đã đồng tình. Trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ trình lại lên Chính phủ. Nếu được thông qua sẽ tháo gỡ cho ngành gỗ. Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ Nghị định về giãn thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất; nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các DN.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, quý 1 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ có tỷ lệ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%. Số đơn hàng giảm mạnh, DN phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần 10 triệu người lao động. Về thủy sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thủy sản của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ (đang chiếm thị phần chi phối 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc). Bộ Công thương sẽ đánh giá, xây dựng chiến lược gia tăng thị phần thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Giảm thuế, cấp vốn cho doanh nghiệp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỷ USD, đều là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, trong đó có cả việc nghiên cứu, đề xuất giảm thuế GTGT. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho DN xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Song song đó, các cơ quan liên quan sớm triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ; tổ chức thành công hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ…
Ngày 13-4, Báo SGGP có bài viết “Chậm hoàn thuế, doanh nghiệp lao đao”, nêu thực tế: Dù theo quy định, chỉ 40 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ là được hoàn thuế GTGT nhưng nhiều DN trên địa bàn TPHCM đã phải chờ hơn 2 năm vẫn chưa được hoàn thuế. Về vấn đề Báo SGGP phản ánh, ông Giang Văn Hiển, Phó cục trưởng Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế), phân tích: Pháp luật thuế GTGT phân loại thành 2 trường hợp hồ sơ hoàn thuế là hồ sơ kiểm tra trước - hoàn thuế sau và hoàn thuế trước - kiểm tra sau. Đối với các hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước - kiểm tra sau, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì cơ quan thuế hoàn thuế kịp thời. Đối với các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước - hoàn thuế sau thì cần phải kiểm tra, xác minh để có cơ sở giải quyết xử lý hoàn thuế theo quy định.
Đối với những hồ sơ hoàn thuế mà có hóa đơn, chứng từ của DN có dấu hiệu rủi ro cao là DN bán hàng cho DN F0 (DN F0 mua hàng của DN F1 có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn theo Bộ tiêu chí đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý thuế và sử dụng hóa đơn) thì sẽ chuyển sang kiểm tra trước - hoàn thuế sau. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế sẽ thực hiện nghiệp vụ xác minh đối với các DN trung gian có rủi ro cao.
LƯU THỦY