Ngày 4-9, TPHCM tổ chức Diễn đàn xúc tiến, mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí TPHCM và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, trong đó tập trung chính vào yêu cầu tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với địa phương ĐBSCL, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng, phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương để hình thành các sản phẩm liên vùng; hình thành các chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của ĐBSCL đến các doanh nghiệp du lịch lữ hành tại TPHCM và ngược lại. Cụ thể, các đại biểu bàn luận thực trạng và các giải pháp về 3 nội dung: Xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, sản phẩm liên kết và công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch vùng.
Không chỉ trong lĩnh vực du lịch - văn hóa - thể thao - giải trí, thời gian qua, nhiều hoạt động như kết nối thị trường hàng hóa nông sản; kết nối, hỗ trợ y tế, giáo dục, xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và ĐBSCL đã từng bước giúp ĐBSCL khai thác lợi thế sẵn có, và TPHCM thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả khu vực phát triển. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác quyết tại Hội nghị phát triển ĐBSCL vào tháng 6 vừa qua. Theo Thủ tướng, TPHCM đầu tư cho ĐBSCL chính là đầu tư cho cả nước, TPHCM đầu tư cho ĐBSCL cũng là đầu tư cho chính mình. Thủ tướng giao TPHCM là “nhạc trưởng” điều phối cơ chế liên kết vùng, xây dựng cơ chế này và trình Chính phủ xem xét.
Lâu nay, về địa lý kinh tế, TPHCM được coi là thuộc Đông Nam bộ. Khi bàn về phát triển kinh tế - xã hội với giao thông vùng ĐBSCL thì không có TPHCM. Tuy nhiên, thực tế quan hệ kinh tế của TPHCM với ĐBSCL còn lớn hơn với các tỉnh Đông Nam bộ. Quy mô kinh tế (GRDP) của các tỉnh ĐBSCL lớn gấp 1,8 lần của Đông Nam bộ. Quy mô dân số 19,6 triệu người, gấp 2,3 lần Đông Nam bộ (8,4 triệu người). Diện tích ĐBSCL 40.810km2 gấp 1,9 lần Đông Nam bộ (21.491km2). Cứ 5 năm, dân số TPHCM tăng 1 triệu người mà đa số là từ các tỉnh ĐBSCL. Chính lực lượng lao động này đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế TPHCM.
Các chuyên gia phân tích, nguyên nhân của những điểm nghẽn trong kết nối TPHCM và ĐBSCL chính là hạ tầng giao thông vừa thiếu vừa yếu. Theo quy hoạch, kết nối giao thông giữa TPHCM và ĐBSCL có đầy đủ 4 phương thức: đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Tuy nhiên, tất cả 4 phương thức này đều chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển.
Theo kế hoạch, nhiều trục đường bộ phải hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến nay mới đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang trong quá trình nghiên cứu. Trong 6 tuyến cao tốc kết nối (dài 365,6km) cần phải xây dựng thì đến nay mới chỉ xây được giai đoạn 1 cho 3 tuyến với tổng chiều dài 172km, 1 tuyến đang nghiên cứu, 2 tuyến khác chưa có kế hoạch đầu tư. TPHCM có 2 tuyến vành đai (vành đai 3 và 4) với tổng chiều dài 287km đảm nhận vai trò liên vùng. Thế nhưng, hiện nay mới đầu tư được một đoạn (Tân Vạn - Bình Chuẩn) dài 16,3km, đạt tỷ lệ 5,68%, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (34km) chuẩn bị thi công cũng chỉ chiếm tỷ lệ 11,92%. Đường bộ đã vậy, các dự án đường sắt kết nối giữa TPHCM và ĐBSCL mới trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi; còn đường biển và đường thủy nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu, cần phải thực hiện các dự án nạo vét.
Do kết nối vùng về giao thông còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra; đồng thời, chi phí vận tải tăng cao, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và TPHCM. Vì thế, đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối giữa TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung với vùng ĐBSCL là hết sức cấp thiết. Đây là điều kiện hạ tầng căn cơ để từ đó kết nối, phát triển du lịch - y tế - giáo dục; phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững!