Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, thế giới đang đứng trước bài toán khó giải về đảm bảo an ninh lương thực. Nhu cầu về chuyển đổi hệ thống thực phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn càng trở nên cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, phát huy vai trò của quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng và chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu lương thực quốc gia lẫn xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng GDP ở mức khá cao.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội mang lại thì nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những “điểm nghẽn” còn tồn tại và cần có “cú hích mạnh” trong đầu tư phát triển nông nghiệp xanh nhằm gia tăng vị thế trong chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững…
Các chuyên gia tại diễn đàn nhận định, hiện tại, với các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, mô hình nông nghiệp xanh tại nhiều địa phương đã dần chuyển đổi. Kết quả thực tế ghi nhận được cho thấy, mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… ngày càng nhiều. Tỷ lệ sản phẩm nông sản xanh, sạch, có truy xuất nguồn gốc ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Ở chiều ngược lại, đại diện các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp đã thẳng thắn kiến nghị đề xuất những giải pháp cần phải thúc đẩy thêm nhằm phát triển nông nghiệp xanh.
Cụ thể, cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Kế đến là cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…
Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái. Các cơ quan chức năng cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp và thủ tục đơn giản cho các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài ra, các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ, kết hợp chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó đảm bảo tiêu chuẩn về truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực vừa ứng dụng công nghệ thông minh tiên tiến đưa vào phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xanh hóa, tăng chất lượng, sản lượng và hàm lượng, giảm khí phát thải.
Đồng thời, kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, mở rộng, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, nhân rộng sản phẩm OCOP trong phục vụ du lịch, làm thương hiệu nông xanh trong mọi khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…
Có như vậy mới thúc đẩy nhanh quá trình tiến độ phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy mở rộng thị phần xuất khẩu cho nông sản, thực phẩm Việt trên thị trường toàn cầu.
Được biết, ngày 28-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Các chính sách theo sau, thực thi Chiến lược đã tạo cơ chế, hành lang pháp lý khuyến khích hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; cũng như thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…