Xiếc Việt và giấc mơ quốc tế
Tiết mục phải khựng lại vài nhịp vì 2 diễn viên chưa thực sự “ăn rơ”, khán giả vỗ tay không ngừng để 2 diễn viên vào nhịp lại. Màn xoay người theo vòng tròn mỗi lúc một nhanh, khiến người xem thót cả tim, không ngớt reo hò. Xong tiết mục, tôi bắt chuyện, Thanh Hoa (diễn viên xiếc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) thoáng buồn: “Tiết mục đầu tiên mà hơi trật nhịp rồi, cũng may khán giả không giận”.
Nhắc lại 10 năm làm nghề đã qua, Thanh Hoa xúc động khi kể về huy chương bạc tại Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Tây Ban Nha (tháng 2-2019) với tiết mục “Khoảnh khắc tình yêu”. Thanh Hoa chia sẻ: “Lúc đầu tập luyện cực lắm, đu dây thì tiền đình phải mạnh, bạn diễn của tôi ban đầu hay bị say xe, sau khi 2 đứa tập cùng thì bạn ấy hết say xe luôn. Có lúc tập, 2 đứa còn không dùng dây bảo hộ, cô chú trong đoàn nói - sao tụi con phải cực, phải hy sinh nhiều vậy? Lúc đó, chúng tôi chỉ biết cố gắng, vì không chỉ muốn xiếc Việt mình diễn trong nước mà chúng ta có thể tự hào để mang ra quốc tế”.
Sau quá trình tập luyện tích cực cùng bạn diễn là nghệ sĩ Hiển Phước, Thanh Hoa gửi video đến Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra tại Tây Ban Nha và được mời tham gia. “Nếu mình không chủ động thì không ai biết mình là ai, được mời tham gia cuộc thi quốc tế ở Tây Ban Nha, chúng tôi vỡ òa sung sướng, vì đó là nơi có rất nhiều đoàn xiếc lớn. Mình vinh hạnh mang xiếc Việt Nam bước ra ngoài để thi thố với các nước khác”, Thanh Hoa xúc động.
Gia đình không ai theo nghề xiếc và ban đầu ba mẹ không đồng ý cho con gái theo nghề nguy hiểm. Thuyết phục mãi, gia đình cũng đồng ý, Hoa vừa học vừa phụ bán căn tin. Và nếu đồng nghiệp trong đoàn nỗ lực một thì Hoa phải nỗ lực gấp đôi, bởi gia đình khó khăn nên không thể “viện trợ” để Hoa theo nghề.
“Tôi đến với nghề khá muộn, lúc 17 tuổi, cơ xương đã không còn mềm dẻo như lúc còn nhỏ nên càng phải cố gắng tập luyện nhiều hơn. Các bạn trong đoàn tập vài giờ mỗi ngày, thì tôi tập 8 giờ/ngày. Tôi luôn dặn mình phải nỗ lực, làm việc gì cũng nghĩ đến xiếc, sáng thức dậy cũng nghĩ đến xiếc, tối đi ngủ cũng nghĩ đến xiếc, xiếc với tôi là tất cả. Những lúc khó khăn tôi luôn nghĩ làm thế nào để vượt qua, để nghề xiếc của mình phát triển”, Hoa chia sẻ.
Cả một tuổi xuân
Một tiết mục xiếc biểu diễn trên sân khấu chỉ vài phút, nhưng nghệ sĩ phải mất cả năm, thậm chí vài năm để tập luyện và ráp bài cùng bạn diễn. “Nghề xiếc mà, tập tiết mục thì tính bằng năm chứ không có tháng được, vì phải nhuần nhuyễn tất cả động tác và thật kỹ lưỡng mới dám ra sân khấu. Đó cũng là cách an toàn cho chính mình và bạn diễn”, Nguyễn Phương Đông, diễn viên xiếc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ.
Nhớ lại chuyến đi diễn dành tặng cán bộ, chiến sĩ hải quân ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) năm 2018, Phương Đông tự hào: “Lần đó, tôi bị say tàu khá nặng, nhưng khi tàu dừng lại lên đảo thì hết ngay. Tiết mục mà tôi cùng bạn diễn (anh Thắng) đã chuẩn bị và tập luyện với nhau rất lâu. Chỉ tiếc là điều kiện ở đảo hạn chế, không có nhiều đạo cụ để mình có thể làm tiết mục lớn hơn để gửi đến mọi người”. Tập luyện miệt mài nhưng chấn thương thì không thể tránh khỏi trong quá trình làm nghề.
“Tôi theo nghề được 20 năm, những chấn thương nhỏ như bong gân, đau tay, đau vai gặp hàng ngày. Có một lần chấn thương khá nặng, tôi bị gãy tay, lúc ấy buồn và hoang mang thực sự, nhưng may mắn là ở đây tôi luôn được các cô, chú và anh chị đi trước động viên, khích lệ tinh thần nên cũng nhanh chóng vượt qua để tiếp tục theo đuổi công việc mà mình đam mê”, Phương Đông kể lại.
Khi theo nghề xiếc, nghệ sĩ nữ đôi khi thiệt thòi hơn nam, vì phải xa nhà và tập luyện từ lúc 8, 9 tuổi. Nhưng với Phương Đông: “Nghề xiếc này thì nam hay nữ đều vất vả như nhau. Chỉ có điều, tuổi nghề của nữ nghệ sĩ sẽ ngắn hơn, vì sau này khi lập gia đình, có con cái sẽ bị hạn chế hơn”. Hay như Thanh Hoa chia sẻ: “Tôi thấy nghệ sĩ nam và nữ đều có những vất vả riêng. Nữ thì nguy hiểm nhưng động tác nữ khá nhẹ nhàng, còn nam thì đa số là trụ, sức của nam bỏ ra khá nhiều và nhiều lúc cũng bị chấn thương phần lưng và vai nhiều do sức nặng”.
Đổi lại những ngày dài tập luyện đổ mồ hôi hay những lần chấn thương, niềm hạnh phúc của nghệ sĩ xiếc chỉ đơn giản là những tràng pháo tay của khán giả. “Nghề xiếc của tôi ít khi được tặng hoa như các nghề khác, nhưng tôi không thấy buồn vì điều đó. Với tôi, khi mình ra sân khấu biểu diễn và nhận được những tràng vỗ tay của khán giả là đủ thấy hạnh phúc lắm rồi”, Phương Đông bày tỏ.
Trăn trở với xiếc, ông Nguyễn Phi Sơn, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, chia sẻ: “Nói nghệ sĩ xiếc không sống nổi với nghề là không đúng, hay nghệ sĩ xiếc có thu nhập cao cũng không phải. Trong đoàn, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để anh em có suất diễn đều đặn, những chương trình bên ngoài cũng tạo điều kiện cho mọi người đi diễn thêm. Nên nhiều khi nói nghề xiếc khó, nghề xiếc khổ thành ra khâu tuyển diễn viên chúng tôi lại gặp trở ngại, vì phụ huynh đâu có ai muốn con mình chịu cực khổ”.
Rời rạp xiếc, chúng tôi cứ nghĩ mãi đến câu nói: “Nói nghệ sĩ xiếc không sống nổi với nghề là không đúng, hay nghệ sĩ xiếc có thu nhập cao cũng không phải”. Đúng vậy, nghề xiếc không nghèo, cũng chẳng giàu, nhưng tuổi xuân và sức khỏe mà người nghệ sĩ đã trao cho vài phút trình diễn trên sân khấu thì chẳng gì đong đếm được.
Nói về tuổi tác của diễn viên trong đoàn hiện nay, ông Nguyễn Phi Sơn cho biết: “Thấp nhất thì cũng ngấp nghé 30 tuổi, còn lại số nhiều hơn 40 tuổi, 50 tuổi, nên chúng tôi luôn cần thế hệ kế thừa. Trong đoàn hiện tại, cũng khá thiếu người vào vai chú hề, mà chú hề trong xiếc khác với diễn viên hài của sân khấu, đôi khi đó còn là cái duyên của nghệ sĩ. Hóa trang và bước ra sân khấu, tự nhiên lại gây cười cho khán giả”. |