Ngày 18-7, Thành ủy TPHCM tổ chức gặp mặt cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM 6 tháng đầu năm 2019. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi họp mặt.
Về phía lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Thành ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM…
Gỡ khó cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2019, nổi bật như đạt mức tăng trưởng 7,86% (tương đương cùng kỳ); thu ngân sách đạt hơn 193.310 tỷ đồng (hơn 48,4% dự toán). Song, để đến cuối năm, TPHCM đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương giao (gần 400.000 tỷ đồng) thì mức tăng trưởng vào cuối năm phải đạt từ 8,3-8,5%.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với TPHCM, nhất là do một số vướng mắc lớn.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, TPHCM tập trung thực hiện đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã nêu. Song, quá trình thực hiện Nghị quyết 54 còn vướng mắc, như việc rà soát, xử lý nhà đất công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM bị chậm.
Qua thống kê, số nhà đất của Trung ương hơn 2.000 địa chỉ (trong tổng số hơn 10.000 địa chỉ trên toàn TPHCM), trong đó có nhiều nơi đang sử dụng lãng phí. Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM phối hợp với Bộ Tài chính sắp xếp các địa chỉ này.
Sau khi sắp xếp, TPHCM được hưởng 50% giá trị đối với số nhà đất dôi dư ra, tạo thêm nguồn đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù TPHCM rất chủ động phối hợp với Trung ương để tổ chức thực hiện việc sắp xếp nhưng công việc này vẫn gặp trở ngại.
Tương tự, phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn (để từ đó TPHCM có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng) đã được UBND TPHCM báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt.
Cùng đó, quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng bất cập, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp. Liên quan đến vấn đề này, UBND TPHCM đã chủ động làm việc với Bộ TN-MT và Thủ tướng đề nghị được thực hiện thí điểm quy trình rút gọn. Quy trình thí điểm sẽ rút ngắn phân nửa thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thay vì hiện nay phải mất trên 300 ngày mới hoàn tất thủ tục. TPHCM đã làm việc từ 12-4 nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa thông qua nghị quyết cho phép TPHCM thực hiện theo quy trình thí điểm rút gọn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, ở dự án này, nhà đầu tư đã theo đuổi dự án nhiều năm, lên thiết kế thực hiện dự án… theo đúng quy trình. Vì vậy, UBND TPHCM đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc này.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng thông tin, từ tháng 7-2017 đến, tất cả những công việc liên quan đến thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, các dự án đầu tư vào Thủ Thiêm gần như đình trệ, để phục vụ công tác thanh tra. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện đầu tư, phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Khi bị thanh tra, các dự án đều phải dừng lại”, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin thêm và cho biết, mới đây, Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy danh sách 124 dự án gặp vướng, do bị thanh tra. Nếu TPHCM không kịp tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là phải “chống đỡ” trước áp lực lãi vay ngân hàng. Việc dự án chậm trễ, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của thành phố.
Cần Trung ương tập trung tháo gỡ
“TPHCM rất đau đầu tìm nguồn lực thực hiện 7 chương trình đột phá, nhất là các chương trình liên quan đến đầu tư hạ tầng như chống ngập nước, giảm kẹt…”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Hiện nay, nguồn vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư, số còn lại phải huy động từ nguồn khác, trong đó có phương thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao). Thế nhưng, các dự án BT mới đã dừng triển một năm qua và hiện vẫn chưa được tiếp tục vì Chính phủ chưa có hướng dẫn. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho TPHCM trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện chủ đề năm là “đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng vào cuối năm; TPHCM thực hiện đề án đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông…
“UBND TPHCM đã xin ý kiến HĐND TPHCM về chủ trương đầu tư khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc rộng khoảng 180ha”, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin và bày tỏ, để tạo tiền đề tốt cho việc triển khai khu đô thị sáng tạo phía Đông, TPHCM đang nỗ lực để từ nay đến cuối năm sẽ khởi công khu đô thị thể dục thể thao thông minh (rộng 64ha) tại quận 2.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, UBND TPHCM cũng xác định danh mục những dự án sẽ hoàn thành đến năm 2020, những dự án sẽ khởi công trước năm 2020, những dự án nào chuẩn bị khởi công vào đầu năm 2021… Việc lên danh mục dự án với thời hạn cụ thể và quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện để đảm bảo tiến độ, nếu không thì “không dự án nào ra dự án nào”.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng chủ động, tiếp tục duy trì tổ công tác đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm về hạ tầng, chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước và giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, tổ công tác duy trì họp hàng tuần, thậm chí họp vào thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết kịp thời các vướng mắc về thủ tục.
“TPHCM rất nóng lòng với các dự án đầu tư”, Chủ tịch UBND TPHCM trăn trở và cho hay, thủ tục đầu tư hiện nay triển khai rất chậm, vướng rất nhiều thủ tục. |
Không né tránh trách nhiệm, đồng chí cho rằng, sự chậm trễ có phần do sự chuyển động của các sở, ngành còn chậm nhưng nguyên nhân còn đến từ sự phối hợp thiếu đồng bộ, thiếu tập trung tháo gỡ của các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, có nhiều vụ việc, TPHCM phải đi hỏi ý kiến của từng bộ, ngành, dẫn đến thời gian kéo dài.