“Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình của đất nước sau 20 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X đã đưa ra đường lối lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này, Đảng ta phải ra sức phấn đấu để nâng cao hơn nữa năng lực trí tuệ, uy tín đạo đức và gắn bó máu thịt với nhân dân” – PGS-TS Đào Duy Quát (ảnh) đã nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
°PV: Việt Nam đã có những thay đổi và bước tiến vượt bậc so với trước khi bắt đầu đổi mới. Tuy nhiên, trong Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng X, Đảng ta vẫn đánh giá: nước ta vẫn đang thuộc vào các nước kém phát triển. Vin vào đánh giá này, một số người đã lớn tiếng phủ nhận những thành tựu của 20 năm đổi mới. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
°PGS-TS ĐÀO DUY QUÁT: Để đi tới kết luận đánh giá tình hình 20 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Đảng ta đã tiến hành tổng kết thực tiễn với phương pháp đánh giá khách quan, lịch sử, cụ thể, biện chứng, khoa học, thông qua quá trình thảo luận dân chủ.
Sự đánh giá của Đại hội X về thành tựu và khuyết điểm yếu kém là sự đánh giá đúng đắn khách quan. Thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của 20 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Với thắng lợi này, sức mạnh, vị thế và uy tín của nước ta đã được nâng lên rõ rệt.
Nhưng Đại hội cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm yếu kém bất cập là không nhỏ. Sự đánh giá này là khách quan biện chứng. Sự tăng trưởng kinh tế của nước ta trong 20 năm qua là liên tục và khá cao nhưng chưa đúng với khả năng và nhất là sự phát triển này chưa thật bền vững, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh còn yếu kém, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, kết cấu hạ tầng còn yếu. Và tiêu chí bình quân GDP/ đầu người vẫn nằm trong khung của các nước kém phát triển, nói đúng hơn là nước đang phát triển ở trình độ thấp.
Nhân dân ta và bạn bè quốc tế đều đồng tình cao với sự đánh giá thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong 20 năm qua.
Số người lớn tiếng phủ định thành tựu chỉ là một số ít. Vì động cơ chính trị không tốt nên họ cố tình phủ định những thành tựu nổi bật của đất nước ta. Thực tiễn đất nước ta, tiềm lực, vị thế, uy tín của nước ta đang được nâng cao là sự bác bỏ hùng hồn những luận điệu này.
°Nhưng hẳn ông cũng thấy, chưa bao giờ như trong thời điểm hiện nay người ta bàn luận rất nhiều về thời cơ và thách thức của đất nước. Ông nghĩ như thế nào về nguy cơ mà chúng ta đang đối mặt?
°Để quyết định đường lối, chiến lược trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta không chỉ đánh giá đúng thành tựu và khuyết điểm yếu kém mà phải chỉ ra cho rõ thời cơ lớn mà chúng ta phải tranh thủ, tận dụng và những thách thức lớn mà chúng ta phải kiên quyết vượt qua.
Thí dụ chúng ta phải làm gì để tranh thủ các điều kiện thuận lợi do xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển, do sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa và khi chúng ta gia nhập WTO? Đương nhiên, chúng ta phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công để kiên quyết đẩy lùi các nguy cơ và vượt qua các thách thức mà đại hội đã chỉ ra.
Đó là: nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí; những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Quan điểm tư tưởng của Đại hội là phải tranh thủ thời cơ vận hội, kiên quyết đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững hơn.
Chúng tôi xin nhấn thêm một ý. Đó là nếu chúng ta kiên quyết tiến công đẩy lùi nguy cơ thì càng tạo ra điều kiện rất lớn để chúng ta tranh thủ thời cơ phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững.
Một tư tưởng rất quan trọng của Đại hội X, trong diễn văn đọc tại hội nghị Trung ương 3, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: “Chúng ta nói là kiên quyết làm”.
Chính phủ, các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động để chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO; Trung ương có nghị quyết, Chính phủ có những quyết định rất quan trọng để triển khai kế hoạch kiên quyết tấn công đẩy lùi nguy cơ tham nhũng, lãng phí.
°Có một số ý kiến cho rằng kết quả Việt Nam đạt được hôm nay là sự vận động tất yếu của lịch sử xã hội chứ không phải do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đem lại. Ông có nghĩ gì về loại ý kiến này?
°Khi ta nói tất yếu ở đây là nói quy luật của xã hội. Vấn đề quan trọng hàng đầu là người lãnh đạo có nắm và vận dụng qui luật để đưa đất nước tiến lên.
Thí dụ: Vào những năm 80 của thế kỷ XX, cải tổ, cải cách ở các nước XHCN là một đòi hỏi tất yếu. Nhưng lịch sử đã cho chúng ta nhận thức sáng tỏ luận điểm này: Với đường lối chính trị sai lầm, Đảng Cộng sản Liên Xô và một số Đảng Cộng sản ở Đông Âu đã lãnh đạo sự nghiệp cải tổ đưa đến sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở các nước này.
Còn ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ nhận thức đúng đắn sự tất yếu của đổi mới mà đã đưa ra đường lối đổi mới đúng đắn với cách làm và bước đi thích hợp nên đã giữ vững được ổn định chính trị, đưa đất nước ra khỏi khủng khoảng kinh tế, phát triển với tốc độ khá cao và giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử như hôm nay! Thắng lợi này chủ yếu và trước hết là do nhân tố chủ quan: do Đảng ta có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực trí tuệ để đưa ra đường lối đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân.
Thí dụ thứ hai: Năm 1858, khi thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược và đặt ách cai trị nô dịch dân tộc ta thì một yêu cầu tất yếu là cứu nước cứu nhà. Nhưng vì sao từ năm 1868 đến 1930: Hơn 300 cuộc khởi nghĩa của nhân dân đều bị dìm trong biển máu? Phong trào cứu nước của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh thất bại?
Chính Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đưa ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn đã lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập năm 1945, tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới.
Thực tế lịch sử 76 năm qua của Việt Nam cũng đã bác bỏ cái ngầm ý của ý kiến trên nhằm phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
°Theo ông, sự đổi mới của chúng ta đã đủ chưa? Có cần tiếp tục đổi mới nữa không?
°Chúng ta không chỉ tiếp tục đổi mới mà phải đổi mới mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả kinh tế và hệ thống chính trị. Phải đổi mới mạnh mẽ để giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển mạnh mẽ mọi thành phần kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mạnh mẽ các chính sách về luật kinh tế để phát huy mọi nguồn lực cả nội lực và ngoại lực.
Tiếp tục đổi mới sâu sắc hệ thống chính trị: đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực trí tuệ, uy tín đạo đức và sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Đổi mới Quốc hội để Quốc hội thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ lịch sử: lập pháp, quyết định các vấn đề trọng yếu và giám sát. Đổi mới chính phủ mà trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý điều hành của chính phủ. Đổi mới Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng chế độ nhân dân làm chủ.
Đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị để xây dựng và thực hiện có hiệu quả cả 3 hình thức dân chủ cơ bản ở nước ta: dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp cơ sở và dân chủ tự quản của cộng đồng dân cư.
Đổi mới để phát triển nhanh, mạnh và bền vững đưa đất nước ta, khỏi tình trạng lạc hậu kém phát triển trước năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020!
TRẦN LƯU thực hiện