Vi phạm xây dựng ngày càng tăng
Năm 2013, UBND TPHCM phê duyệt đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của TTXD. Theo đó, TTXD ở 24 quận - huyện được tổ chức thành 24 đội TTXD địa bàn và thuộc quản lý của Sở Xây dựng. Theo Sở Nội vụ, chính việc gom lực lượng từ quận - huyện, phường - xã - thị trấn về nên biên chế của TTXD rất lớn. Tính đến giữa tháng 3-2018, TTXD có 1.006 biên chế.
Tuy nhiên, sau khi kiện toàn, tình trạng vi phạm xây dựng tại một số địa phương rất phức tạp. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng cho thấy, trong các năm 2013, 2014, vi phạm xây dựng có giảm so với trước, nhưng các năm 2015, 2016 và 2017 thì vi phạm xây dựng lại gia tăng liên tục.
Cụ thể, năm 2015 tăng 322 vụ (tăng 13%) so với cùng kỳ năm trước; năm 2016 tiếp tục tăng 40 vụ (1,4%) và năm 2017 tăng đến 524 vụ (tăng 18%). “Nguyên nhân do số lượng giấy phép xây dựng tăng nhiều”, Sở Xây dựng giải thích và dẫn chứng năm 2015 có gần 49.150 giấy phép, năm 2016 gần 54.000, năm 2017 có hơn 56.260 giấy phép xây dựng được cấp trên toàn TPHCM.
TPHCM đang xem xét, kiến nghị việc sáp nhập 2 lực lượng TTXD và quản lý trật tự đô thị thành một đơn vị, do UBND quận - huyện quản lý
Sự bất cập còn xảy ra trong khâu xử lý, khắc phục vi phạm. Cụ thể, từ năm 2013-2017, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành khoảng 6.210 quyết định xử phạt nhưng có gần 3.020 quyết định (chiếm 48,6%) hiện nay vẫn chưa thực hiện xong.
Sở Xây dựng đánh giá, kết quả tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt còn thấp. Bên cạnh việc người vi phạm không chấp hành nộp phạt, không tự phá dỡ công trình vi phạm thì các quận - huyện cũng không kịp thời ban hành các quyết định cưỡng chế và tháo dỡ công trình vi phạm, dẫn đến tình trạng không đảm bảo thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã có hiệu lực, nên không đủ sức răn đe.
Sở Xây dựng cũng phân tích, do sự phối hợp giữa TTXD và UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn còn hạn chế nên tình trạng vi phạm xây dựng một số nơi vẫn diễn biến phức tạp.
Đơn cử, quyết định của UBND TP yêu cầu Đội quản lý trật tự đô thị quận - huyện có nhiệm vụ tuần tra, phát hiện và thông báo kịp thời đến TTXD về tình hình vi phạm trên địa bàn.
Tuy nhiên, lực lượng quản lý trật tự đô thị thường tập trung vào việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà không thường xuyên kiểm tra công trình xây dựng. Do đó, việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xây dựng không phép chưa triệt để.
“Trước đây, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép gồm có lực lượng địa chính - xây dựng cấp phường, 2 - 3 TTXD quận - huyện phụ trách địa bàn thực hiện. Tuy nhiên, sau khi TTXD sáp nhập về sở, công việc này chỉ do một cán bộ địa chính - xây dựng đảm nhiệm nên việc kiểm tra công trình không phép gặp bất cập”, đại diện Sở Xây dựng giải thích.
Đề xuất TTXD sáp nhập với trật tự đô thị
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, hầu hết giấy phép xây dựng đều do UBND quận - huyện cấp. Tuy nhiên, việc kiểm tra lại thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đội TTXD địa bàn nên việc quản lý trật tự về xây dựng còn hạn chế, ngay cả khi UBND TP đã ban hành quy chế phối hợp giữa TTXD với các địa phương. Do đó, việc kiện toàn bằng cách điều chuyển lực lượng TTXD về các địa phương là cần thiết.
Sở Nội vụ đồng tình và nhận xét, từ quy định lẫn thực tiễn quản lý cho thấy chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Do đó, TPHCM cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền các cấp ngăn chặn, xử lý nhanh vi phạm xây dựng. “Việc chuyển TTXD địa bàn về 24 quận - huyện và sáp nhập với lực lượng trật tự đô thị của địa phương là cần thiết, để công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TPHCM đi vào nề nếp”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm nhận định.
Cụ thể, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận - huyện quản lý sẽ được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nhân sự của 24 đội TTXD địa bàn (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng), sáp nhập với Đội quản lý trật tự đô thị (hiện đang thuộc Phòng Quản lý đô thị của 24 quận - huyện).
Sau khi được thành lập, tùy theo tính chất đô thị tại địa bàn, có thể phân công một số nhân sự về cấp cơ sở để giúp UBND phường - xã - thị trấn trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Lực lượng chuyển về quận - huyện sẽ “khoác áo” trật tự đô thị, không còn gọi là Thanh tra Sở Xây dựng nữa, song vẫn có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng.
Thẩm quyền kiểm tra, xử lý thực hiện đối với cả hành vi xây dựng không phép, sai phép, thay vì lâu nay phân định TTXD kiểm tra công trình sai phép; địa phương kiểm tra, xử lý công trình không phép.
Việc thí điểm này không thiết lập thêm đội TTXD ở cấp quận - huyện, là phù hợp với Luật Thanh tra (quy định lực lượng TTXD chỉ được tổ chức ở cấp trung ương và cấp tỉnh).
Biên chế của lực lượng TTXD hiện rất lớn, được bố trí về 24 đội TTXD địa bàn, nên Sở Xây dựng gặp khó khăn trong việc nắm bắt tư tưởng, quản lý, giáo dục nhân viên. Mặt khác, tổ chức TTXD thống nhất về mặt chính quyền (thuộc Sở Xây dựng) song các chi bộ và đoàn thể chính trị - xã hội của đội TTXD địa bàn lại sinh hoạt tại quận - huyện. Đây cũng là một bất cập, chưa tạo được sự đồng bộ, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành đối với các đội TTXD địa bàn.
Sở Xây dựng cho biết, ban giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra định kỳ, đột xuất các đội TTXD địa bàn về việc chấp hành nhiệm vụ, công vụ. Các vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật còn nhiều. Cụ thể, năm 2014 có 97 TTXD bị kỷ luật; năm 2015 có 44 trường hợp; năm 2016, 2017 đều có 77 trường hợp bị kỷ luật/năm. Trong đó, năm 2016 có một TTXD bị truy cứu trách nhiệm hình sự; năm 2017 có đến 6 TTXD bị buộc thôi việc.