Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ bắt đầu thanh tra về những nội dung như công tác tổ chức cán bộ, quản lý đào tạo, tài chính và việc thực hiện kết luận giải quyết kết luận tố cáo của Bộ GD-ĐT trước đây. Đồng thời, thanh tra sẽ là việc theo các đơn thư tố cáo gửi đến Bộ GD-ĐT trong thời gian qua.
Như Báo SGGP đã thông tin, ngoài thông tin liên quan đến 2 PGS.TS của Trường ĐH Luật TPHCM xin từ chức, Trường ĐH Luật TPHCM đang đối mặt với những thông tin lùm xùm khác, như: theo thông báo số 556/TB-KTNN ngày 24-8-2018 của Kiểm toán Nhà nước kết luận Trường ĐH Luật TPHCM đã có nhiều sai sót, bất cập, hạn chế...
Về tình hình hoạt động thu, chi sự nghiệp và dịch vụ: đối với thu học phí, còn thu vượt định mức quy định 6.870 triệu đồng chưa thực hiện đúng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP và Quyết định số 521/QG-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18-4-2017 (năm học 2016-2017: 5.311,3 triệu đồng; năm học 2017-2018: 1.558,7 triệu đồng).
Nguyên nhân chính của việc thu tăng học phí là do thu học phí tại các lớp đào tạo chất lượng cao, trường chưa xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Ngoài thu vượt định mức học phí như đã nêu ở trên, đơn vị còn thu vượt học phí học lại, đồng thời chưa công khai mức thu trên trang mạng của trường, số tiền 205,9 triệu đồng; thu vượt lệ phí tuyển sinh theo quy định số tiền 84 triệu đồng.
Về trích quỹ học bổng, trường chưa thực hiện trích lập quỹ học bổng khuyến khích học sinh sinh viên từ nguồn học phí, lệ phí để chi trả theo quy định. Đồng thời, tổng số nợ đọng học phí năm 2017 (học kỳ 1 năm học 2017-2018) là 2.099,4 triệu đồng của 242 học viên.
Về liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước: trường thực hiện liên kết đào tạo với một số cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện thực hiện liên kết; mặt khác, 14 cơ sở liên kết đào tạo, trong đó chỉ có 2 đơn vị có công văn trả lời đồng ý của Bộ GD-ĐT, 1 đơn vị có tờ trình gửi Bộ GD-ĐT nhưng không được phản hồi, còn lại 11 đơn vị chưa cung cấp được quyết định cho phép liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT.