Theo kế hoạch, để phục vụ cho cuộc đối thoại, UBND huyện Mỹ Đức đã gửi giấy mời tới nhiều người đại diện của người dân xã Đồng Tâm, đồng thời TP Hà Nội cũng chuẩn bị một số ô tô để đưa bà con nhân dân lên trụ sở UBND huyện Mỹ Đức để tiến hành đối thoại với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tuy nhiên, người dân ở xã Đồng Tâm lại mong muốn Chủ tịch UBND TP trực tiếp về xã Đồng Tâm để đối thoại với dân mà không lên trụ sở của huyện Mỹ Đức, cho dù lãnh đạo huyện Mỹ Đức và TP Hà Nội đã nhiều lần điện thoại để thuyết phục.
Sau hơn 3 giờ chờ đợi, thuyết phục những đại diện người dân xã Đồng Tâm lên trụ sở UBND huyện Mỹ Đức để tiến hành đối thoại nhưng không thành, tới tối cùng ngày, cuộc đối thoại đã chuyển thành cuộc họp của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với lãnh đạo và các ban ngành chức năng huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm mà không có đại diện người dân Đồng Tâm.
Tại cuộc họp, ông Phạm Hồng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết, tình hình trên địa bàn xã vẫn diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Người dân vẫn đang giữ 20 cán bộ, chiến sĩ công an tại nhà văn hóa thôn, đồng thời tiếp tục mang các vật dụng ra cản trở nhiều con đường trong xã, thôn. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cũng bày tỏ mong muốn, lãnh đạo thành phố Hà Nội và Trung ương trực tiếp về địa phương để trao đổi, đối thoại với người dân. Về nguyên nhân gây mất an ninh trật tự tại Đồng Tâm, theo đại diện UBND xã Đồng Tâm, do xuất phát từ việc người dân có đơn đề nghị làm rõ khu đất được giao vừa qua tại địa phương là đất nông nghiệp hay quốc phòng, cho dù đã có kết luận là đất quốc phòng nhưng người dân vẫn chưa tin. “Đa số người dân nói đó là đất nông nghiệp, họ nói những việc chúng ta làm vừa rồi là sai. Vì thế, đề nghị Trung ương vào làm rõ là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp...”, ông Sỹ trình bày.
Trước phản ánh của chính quyền xã Đồng Tâm, đồng chí Nguyễn Đức Chung đã đề nghị lãnh đạo xã Đồng Tâm tiếp tục xuống cơ sở tuyên truyền, thuyết phục bà con nhân dân thả những cán bộ, chiến sĩ công an đang bị giữ và giải tỏa các chướng ngại vật trên đường. “Tôi đề nghị các đồng chí về tuyên truyền với người dân rằng lãnh đạo thành phố, trực tiếp là tôi sẽ đối thoại với người dân. Sẽ mời người dân đối thoại trong thời gian sớm nhất trong ngày mai hoặc ngày kia...”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh và yêu cầu Thanh tra thành phố công bố quyết định thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất sân bay Miếu Môn và đất ở Đồng Sênh, xã Đồng Tâm với thời hạn thanh tra là 45 ngày.
“Trước đây người dân cũng đã có kiến nghị và các cấp cũng đã xem xét, tuy nhiên việc xử lý vẫn còn có những vấn đề nọ kia. Công an thành phố cũng đã khởi tố, bắt giam 3 cán bộ xã. Lần này thành phố sẽ làm khách quan vụ việc. Một lần nữa, tôi đề nghị bà con nên thả toàn bộ các chiến sĩ. Bà con lo ngại có việc tấn công và giải cứu, tôi khẳng định chúng ta đang sống trong nhà nước tôn trọng người dân. Không bao giờ có việc đó xảy ra. Tuy nhiên việc gì cũng có giới hạn”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, sau 45 ngày thanh tra, thành phố sẽ kết luận, cũng như tiếp thu kiến nghị của bà con để có kết luận đúng nhất, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của bà con. Để bảo đảm việc thanh tra đúng pháp luật, UBND TP Hà Nội yêu cầu các tập thể, cá nhân đang thi công tại khu vực xã Đồng Tâm, kể cả tập đoàn Viettel dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng để phục vụ đoàn thanh tra.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí sau cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, ông Phạm Hồng Sỹ cho biết các cán bộ, chiến sĩ bị người dân giữ đang ở nhà văn hóa thôn vẫn được ăn uống, chăm sóc và không có ai bị đánh đập. Mong mỏi lớn nhất của người dân là lãnh đạo thành phố về địa phương để nắm rõ thực tế và tâm tư nguyện vọng người dân để nhằm sớm ổn định cuộc sống bình thường trở lại.