Thực tế thời gian qua có rất nhiều vụ án nghiêm trọng về kinh tế, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tham ô tham nhũng, gây tổn thất cho Nhà nước. Mà trong đó, số trường hợp đoàn thanh tra phát hiện, bị xử lý sai phạm rất ít, chỉ đến khi cơ quan công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thanh tra, điều tra thì mới phát hiện sai phạm và được xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, công tác giám sát sau thanh tra vẫn còn chưa triệt để, dẫn tới một số vụ việc còn kéo dài như các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.
Bày tỏ quan điểm về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đã quản lý nhà nước thì phải có thanh tra. Huyện, cục, tổng cục cũng nên có thanh tra để thực hiện nhiệm vụ. Thanh tra sở nếu có thì chủ tịch UBND tỉnh thành cũng phải tính toán cụ thể, để bảo đảm bộ máy thanh tra gọn nhẹ nhưng phải có hiệu lực; tránh tình trạng thanh tra nhiều nhưng không phát hiện được tiêu cực. Đặc biệt, theo Chủ tịch nước, đoàn thanh tra là rất quan trọng, phải có quy chế quản lý chặt đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra một vụ việc được giao. Đoàn thanh tra không được dễ dàng tiếp xúc với đối tượng thanh tra. Nếu để đoàn có thể tự do “giao lưu” với đối tượng được thanh tra thì không bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra, khó phát hiện ra tiêu cực, sai phạm. Quyết định của trưởng đoàn thanh tra phải bảo đảm tính độc lập. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, sửa luật để xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thậm chí là phòng chống tiêu cực ngay trong hoạt động thanh tra, cơ quan thanh tra. Các kết luận, kiến nghị thanh tra được đưa ra trên cơ sở các đánh giá khách quan, không ai can thiệp được. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đã giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”.
Đáng chú ý, với 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra thường xuyên, dự thảo luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, thực chất thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra. Hoạt động kiểm tra là hoạt động thường xuyên của các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước, lãnh đạo quản lý phải có nhiệm vụ kiểm tra gắn với đôn đốc, chỉ đạo thực hiện, nắm tình hình để ngăn ngừa sai phạm. Vấn đề đặt ra ở đây là, cùng với hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng trong bộ máy nhà nước, lãnh đạo quản lý, hoạt động thanh tra cũng phải hướng đến mục tiêu kiểm tra, giám sát, để ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra. Bởi nếu thanh tra chỉ đến để chỉ ra những sai phạm, thì lúc đó hậu quả đã là khôn lường, gây thiệt hại tài sản của nhà nước, nhân dân, làm giảm sút niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.
Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hình thức thanh tra cũng cần tính toán lại. Đơn cử thanh tra theo kế hoạch là báo trước, đối tượng thanh tra có sự chuẩn bị, do đó không đúng thực tế, không ngăn chặn được sai phạm. Cần tính toán để thanh tra hiệu quả, thực tế nhất, không chồng chéo nhưng vẫn bảo đảm sự giám sát. Cùng với thanh tra theo kế hoạch cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất để tránh tình trạng đối phó với thanh tra. Phải bảo đảm để đối tượng thanh tra cảm thấy luôn có “đôi mắt” thanh tra theo dõi, từ đó không dám sai phạm.
Giá trị pháp lý của kết luận thanh tra là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra; là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó cũng là cơ sở để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước. Do đó, sửa Luật Thanh tra bên cạnh phải phát huy được vai trò nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thì phải bảo đảm thanh tra thực sự là một thiết chế góp phần phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm, góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật về hành chính.