Tại phiên họp UBTVQH sáng nay 11-4, thừa ủy quyền của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội.
Khi có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị ngay về việc khởi tố hình sự
Trong đó, một nội dung đã có sự bổ sung, chỉnh lý đáng kể là các quy định nhằm xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Chính phủ cho biết, việc đổi mới cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là một nội dung quan trọng của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Để đảm bảo tính đồng bộ với các quy định trong hệ thống thống pháp luật, đặc biệt là với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Luật đã chỉnh lý cụ thể như sau:
Trường hợp kết luận hành vi tham nhũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý kỷ luật người có hành vi tham nhũng.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được yêu cầu, kiến nghị thì phải xử lý kỷ luật đối với người có hành vi tham nhũng và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã có yêu cầu, kiến nghị biết.
Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng; khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay nội dung, tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước.
Người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán, Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân, tổ chức có liên quan phải bị xem xét xử lý trách nhiệm trước pháp luật nếu sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung.
Không áp dụng Luật PCTN với Quỹ đầu tư
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi ra khu vực ngoài nhà nước là một trong những vấn đề được Chính phủ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ về vấn đề này cho biết, quán triệt tinh thần Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, theo đó, “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”, dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội tháng 10-2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng quy định trách nhiệm PCTN nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số chế định về phòng ngừa tham nhũng đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, căn cứ pháp luật về chứng khoán thì quỹ đầu tư không phải là pháp nhân, không có bộ máy điều hành mà chịu sự quản lý của công ty quản lý quỹ với các quy định rất chặt chẽ.
Theo đó, áp dụng bắt buộc các biện pháp về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu cần căn cứ vào các quy định của Luật PCTN và các luật khác có liên quan; đồng thời chỉ rõ các quy định của Luật PCTN sẽ phải áp dụng bắt buộc và chỉnh lý các quy định khác có liên quan.
Theo Chính phủ, việc quy định thanh toán qua tài khoản là cần thiết nhằm phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên, để khả thi và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định về thanh toán qua tài khoản (Điều 31).
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc chi trả thông qua tài khoản cho người có chức vụ, quyền hạn và người lao động đối với tiền lương, thưởng và các khoản chi khác có tính chất thường xuyên (không phụ thuộc với mức chi trả) và các khoản chi khác từ ngân sách nhà nước có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
Đồng thời, giao Chính phủ triển khai áp dụng các biện pháp tài chính, công nghệ để thực hiện qua tài khoản đối với mọi giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp ở địa bàn chưa đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán qua tài khoản.