Đến nay ngành thuế TP đã triển khai nhiều chuyên đề đạt kết quả cao, thế nhưng, trước tình hình diễn ra nhiều vụ mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions - M&A:), ngành thuế đã kịp thời triển khai ngay hoạt động thanh tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn. Kết quả mang lại cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng...
Làm hồ sơ nộp thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐÌNH LÝ
Sang tên, không sang vốn
Từ kết quả thanh tra hoạt động M&A ở Công ty Phở 24, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ, Cục Thuế đã lập tức đúc kết kinh nghiệm và triển khai đến tất cả các phòng, Chi cục Thuế để thực hiện chuyên đề chuyển nhượng vốn đối với tất cả các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân khi chuyển nhượng vốn phải nộp thuế chuyển nhượng phần vốn góp. Thế nhưng, nhiều tổ chức, cá nhân hiểu rõ cơ quan thuế và cơ quan cấp phép kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư) chưa liên kết kịp thời đối với việc thay đổi của DN, tức Sở Kế hoạch - Đầu tư thay đổi thành viên góp vốn trong giấy chứng nhận kinh doanh mà không buộc DN chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, nên đã lợi dụng điều này để né thuế. Các hình thức trốn thuế chuyển nhượng vốn như sau: các DN thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng, sau đó làm các thủ tục thay đổi tên các thành viên trong giấy đăng ký kinh doanh mà không tiến hành các thủ tục khai nộp thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn này. Đó là lý do nhiều hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại có giá trị lớn nhưng cơ quan thuế không thu được hoặc thu được rất ít tiền thuế.
Một kiểu né thuế nữa là giá giao dịch chuyển nhượng lớn nhưng trong hợp đồng khai giá bán bằng giá vốn, không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế. Để không bị chú ý, các hợp đồng chỉ kê khai giá bán nhỉnh hơn một chút so với giá vốn, lợi nhuận thấp thì tiền thuế phải đóng cũng thấp, mặc dù giá trị giao dịch rất lớn. Doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng nhưng không khai báo thu nhập phát sinh cũng là phổ biến nhất.
Hiệu quả từ liên kết thông tin...
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng phòng Thanh tra số 1, Cục Thuế TPHCM thừa nhận, có không ít công ty chuyển nhượng vốn nhưng không khai báo nộp thuế cho cơ quan thuế. Cách thực hiện là các bên tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi nhiều lần, lúc thì thay đổi tên của người đại diện trước pháp luật, lúc thì thay đổi tên của các thành viên nhưng tỷ lệ góp vốn không thay đổi qua mặt cơ quan chức năng. Bởi việc thay đổi con người, không thể hiện thay đổi vốn góp để cơ quan chức năng không thấy việc chuyển nhượng vốn. Ngoài ra, thất thu thuế còn do việc chuyển nhượng lòng vòng khi doanh nghiệp thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh nên cơ quan thuế khó quản lý.
Do vậy, không chờ quy định pháp luật ban hành, Cục Thuế triển khai phối hợp ngay với Sở Kế hoạch - Đầu tư để thực hiện kiểm tra giám sát hoạt động chuyển nhượng vốn bằng cách thu thập tất cả các thông tin liên quan đến việc thay đổi giấy phép của tất cả các DN đóng trên địa bàn TP. Ngoài ra, Cục Thuế cũng tham khảo thông tin được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra những DN có giá trị chuyển nhượng vốn lớn nhưng số thuế kê khai nộp ít.
Cuộc truy tìm cũng không đơn giản, bởi các công ty, cá nhân bị thanh tra đều trì hoãn việc cung cấp hồ sơ, giải trình số liệu. Do đó, các đoàn thanh kiểm tra phải sử dụng nhiều biện pháp, cách thức để đấu tranh, thuyết phục để người nộp thuế cung cấp hồ sơ, giải trình số liệu và vận động các cổ đông có chuyển nhượng vốn làm việc với đoàn thanh kiểm tra. Hầu như vụ thanh tra nào cũng phát hiện hành vi không kê khai doanh thu chuyển nhượng vốn, doanh thu giá trị thương hiệu hoặc kê khai sai chi phí dẫn đến thiếu số thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
Nhờ cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ, kết quả năm 2014, Cục Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 632 doanh nghiệp, xử lý số thuế truy thu và phạt là 322 tỷ đồng, giảm lỗ 52 tỷ đồng, giảm khấu trừ 2,3 tỷ đồng.
| |
THẢO NHI