Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chênh lệch giữa số năm thu phí mà dự án BOT đưa ra với kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, giải thích, theo luật, nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua, bộ đã tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng trên cơ sở dự án được duyệt. Trong hợp đồng có nhiều phần dự phòng như: trượt giá, khối lượng, dự kiến giải phóng mặt bằng, những phát sinh khác… Căn cứ quy định hiện hành, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư theo dự án được duyệt. Bên cạnh đó, bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi bộ quyết toán. Hiện với 56 trạm BOT, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia 50 trạm, 6 đang triển khai.
Để đảm bảo quyền lợi người dân, Nhà nước, doanh nghiệp, bộ đàm phán và có một điều khoản: giá trị sau quyết toán là căn cứ để điều chỉnh thời gian thu phí. Việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện chênh lệch lớn là điều hiển nhiên. Dự án triển khai nhanh ít phát sinh thì phần dự phòng này được chỉ ra.
Về vấn đề thu phí, dựa trên quan điểm bảo vệ người dân, khi thấy mặt bằng giá tăng cao, bộ phối hợp với địa phương, nhà đầu tư rà soát giảm 56 dự án BOT và giảm phí, căn cứ vào lưu lượng xe và khả năng hoàn vốn để điều chỉnh, có dự án giảm 2-3 lần.
Tiếp tục chất vấn về nội dung này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), chính sách đối tác công tư (PPP), trong đó có hợp đồng BOT còn bất cập là do thể chế chưa hoàn chỉnh, còn trong thực hiện thì có sự lợi dụng chính sách, gây bức xúc cho người dân và chưa giải quyết được 3 lợi ích căn bản của nhà đầu tư, Nhà nước, người dân. Giải pháp đưa ra hiện nay vẫn mang tính ăn đong. Giải pháp căn cơ là gì?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về việc lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện dự án thì Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đang vào cuộc quyết liệt để xử lý. Còn về phía Bộ GTVT, bộ quán triệt việc này phải làm nghiêm túc, nếu phát hiện cán bộ sai phạm sẽ cương quyết xử lý. Về những tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư tại một số trạm BOT, ông Thể cho rằng là do chưa hoàn thiện thể chế nên đã dẫn đến tâm tư của nhà đầu tư, bên cạnh đó là tranh chấp về đền bù, tái định cư. Công trình dự án khó tránh khỏi bất cập. Để đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên, bộ sẽ quan tâm đặc biệt đến dự án BOT có vấn đề và chỉ đạo nghiên cứu, xử lý ngay. Lâu dài là phải thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự án BOT là đảm bảo cơ sở hạ tầng cho người dân và người dân có sự lựa chọn.
Không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận: “Bộ trưởng nói xử lý các trạm BOT dựa trên lợi ích dân nhưng tôi không đồng ý. Bức xúc của người dân hiện nay là ở 17 dự án BOT đặt sai vị trí, 3 dự án người dân không đi vẫn phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh nhưng vẫn phải trả tiền. Giải pháp của bộ trưởng hiểu là dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng… Đó là xử lý trên lợi ích của dân?”.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đồng tình với ĐB Hoàng Quang Hàm và cho rằng, điều ông muốn bộ trưởng nói là hoàn thiện thể chế, luật nào đó chứ không chỉ đưa ra những giải pháp chắp vá, thiếu căn cơ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số dự án nằm ngoài phạm vi là do lịch sử để lại, đã triển khai từ lâu. Chẳng hạn, có dự án được triển khai từ năm 2014 và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản tiếp tục thực hiện việc thu phí. Những dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan xem xét về tính hợp lý. Hiện nay, nếu di dời những trạm thu phí đó thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có kinh phí thực hiện hợp đồng đã ký với nhà đầu tư.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt vấn đề, cử tri là các doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh một số địa phương có những doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu theo dàn xếp nên doanh nghiệp khác không cạnh tranh được. Đặc quyền đó làm cạnh tranh vô hiệu khiến dự án đội vốn khi triển khai. Bên cạnh đó, những dự án đổi đất lấy hạ tầng ở dự án BT có dấu hiệu thất thoát lớn.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án BOT không có dự án nào không tổ chức đấu thầu và công khai trong 1 tháng. Với những dự án có 2 nhà đầu tư tham gia thì tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, vừa qua cũng có những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Việc chỉ định thầu là phương án bắt buộc. Căn cứ theo luật, bộ được quyền chỉ định thầu. Việc làm này cũng có sự giám sát chặt chẽ từ Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về vấn đề có đấu thầu hình thức hay không, ông Thể cho biết, việc này được thực hiện theo Luật Đấu thầu với trình tự chặt chẽ và sự giám sát các bên. Nếu vi phạm sẽ xử lý. Về những dự án kéo dài, đội vốn gây lãng phí, ông Thể cho biết, có một số nhà thầu trúng thầu nhiều dự án nhưng năng lực tài chính yếu kém khiến đội vốn. Hàng tháng, hàng quý, bộ đều tiến hành kiểm tra và hy vọng dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Không hài lòng, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, bộ trưởng giải thích là do vấn đề lịch sử là không thuyết phục và giải pháp là thuyết phục dân theo phương án giảm giá. Tuy nhiên, dự án đó khi triển khai người dân có biết đâu. Trách nhiệm của bộ là đã thương thảo với nhà đầu tư để giảm định mức, ngân hàng giảm lãi suất chưa? Nay vỡ lở bắt dân chịu là chưa thỏa đáng.
Chia sẻ quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận, có thể bộ đối mặt với việc nhà đầu tư khởi kiện nên đưa ra các giải pháp như hiện nay. Nhưng giảm giá phí và kéo dài thời gian thu phí là tư duy không thể chấp nhận được, cần được giải thích thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự án luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Còn hiện nay, việc thực hiện chưa được hoàn chỉnh vì chỉ có nghị định và bộ phải bám vào quy định đó. Hy vọng sắp tới khi có luật, cơ chế, trách nhiệm sẽ được thực hiện căn cơ hơn.