Con số đó cho thấy tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao và trong đó 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng theo 4 mức độ) cũng rất thấp, chỉ chưa đến 7%. Trong khi, với mức độ 4, người sử dụng có thể tiến hành hồ sơ qua mạng, thanh toán qua mạng và nhận kết quả qua mạng. Thế nhưng, thực tế dịch vụ công trực tuyến vẫn ở mức đơn giản, rất ít dịch vụ cho phép người dân gửi, thanh toán phí và nhận kết quả qua mạng.
Trong khi đó, theo báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ công bố giữa năm 2018, đã có khoảng 50.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng trong đó, số dịch vụ do địa phương cung cấp chiếm tới 97%; số dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp chỉ chiếm khoảng 3%. Nếu theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ thì phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4. Thế nhưng, con số trên sẽ khó thực hiện được với kết quả như hiện nay.