Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thanh toán điện tử trong thời gian qua phát triển mạnh hơn thanh toán thẻ. Chỉ riêng năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 73 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017.
Thanh toán di động tăng vì tiện ích
Ví điện tử là một phương tiện trung gian thanh toán cho người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ví trên Internet đang thu hút rất nhiều người sử dụng. Hiện nhiều người dùng ví điện tử như Momo, Moca, Tiki… vì không có phí giao dịch và đặc biệt luôn khuyến mãi trực tiếp bằng tiền cho người dùng.
Xu hướng thanh toán qua ví điện tử ngày càng tăng, vì không chỉ tiện lợi mà người dùng còn được tích điểm để trừ tiền cho thanh toán sau, được khuyến mãi mua vé xem phim, được giảm giá khi thanh toán tại các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn…
Hiện một số ví điện tử còn có hình thức chuyển tiền miễn phí liên ngân hàng theo số tài khoản và số thẻ ATM.
Anh Lê Điền, nhân viên văn phòng, cho biết hơn một năm qua, anh sử dụng các loại ví điện tử để thanh toán thay cho tiền mặt và thẻ ngân hàng vì nhiều tiện ích. Thay vì phải nhập mã OTP (mật mã một lần) để thanh toán qua thẻ, phải nhập mật khẩu trên máy POS khi cà thẻ, thì ví điện tử chỉ cần xác thực bằng mật khẩu hoặc vân tay trên các thiết bị điện thoại, hoặc scan mã phản hồi nhanh (QR code) gắn trên hàng hóa dịch vụ là đã hoàn tất thanh toán.
Với xu hướng thanh toán di động đang ngày càng phổ biến, các ngân hàng thương mại đã không ngừng nâng cấp các dịch vụ thanh toán qua điện thoại theo hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng; đồng thời đưa ra hàng loạt các chính sách ưu đãi cũng như miễn giảm để thu hút khách. Chẳng hạn, khách hàng sử dụng dịch vụ mobile - banking của Vietcombank chỉ cần đăng nhập và xác thực bằng sinh trắc học (dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt) là có thể dễ dàng chuyển tiền, thanh toán hóa đơn các loại, nạp tiền điện thoại và thanh toán bằng QR code.
Hoặc Ngân hàng SHB, từ nay đến 25-7, cũng có nhiều ưu đãi cho khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử qua điện thoại di động với nhiều giải thưởng như nhận điện thoại iPhone, máy tính bảng, hoàn tiền, chiết khấu trực tiếp.
Sacombank cũng vừa triển khai thành công tính năng giao dịch bằng QR code, theo đó, thay vì dùng trực tiếp thẻ nhựa, các chủ thẻ có thể tải miễn phí ngay ứng dụng Sacombank Pay từ App Store, Google Play về thiết bị di động của cá nhân để quét QR code thực hiện thanh toán tại các điểm chấp nhận giao dịch và rút tiền mặt tại các ATM Sacombank, đồng thời có cơ hội nhận vàng 24k khi giao dịch…
Không siết ví điện tử
Hiện có 23 loại ví điện tử của 26 công ty trung gian thanh toán (Fintech) do NHNN cấp phép, với khoảng 4,2 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. NHNN đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều quy định mới.
Đáng lưu ý là các quy định yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví điện tử, yêu cầu ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng... khiến không ít công ty Fintech cho rằng sẽ siết việc thanh toán qua ví điện tử, gây khó khăn cho DN, đẩy khó cho người dùng.
Về việc này, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), khẳng định không có chuyện ngân hàng muốn siết ví điện tử. Việc yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng để định danh khi giao dịch bằng ví điện tử nhằm bảo vệ khách hàng. Định danh khách hàng là yêu cầu bắt buộc tại dự thảo thông tư vì người sử dụng ví điện tử có thể sử dụng sim rác. Nếu không định danh, khi bị mất sim điện thoại đó, người sử dụng ví sẽ khó đòi lại tiền.
“Không chính danh là nguy hiểm nhất trong thương mại, thanh toán điện tử, mà các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. Do đó, công ty hoạt động dịch vụ ví điện tử phải có thông tin định danh khách hàng, điều này rất quan trọng để tránh các hoạt động bất hợp pháp như chuyển tiền trái phép vào ví không định danh”, ông Dũng lý giải.
Mặc dù vậy, NHNN cũng đang nghiên cứu hướng mở là cho nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng, như thay vì phải nạp tiền vào ví trực tiếp từ tài khoản như hiện nay, người dùng có thể mang tiền mặt ra đại lý để nạp tiền vào tài khoản ví.
Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty Fintech cho rằng, hiện tổ chức cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý đã có đầy đủ công cụ, biện pháp để xác minh thông tin, vì để sử dụng ví điện tử, khách hàng phải có số điện thoại (chủ thuê bao đã cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định của Nghị định 25/2011) và số tài khoản ngân hàng (chủ tài khoản đã cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định tại Thông tư 23/2014 của NHNN).
Trong trường hợp cần xác minh thông tin khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý hoàn toàn có thể truy xuất dữ liệu từ các nguồn này, không cần thiết yêu cầu khách hàng phải thực hiện thủ tục cung cấp thông tin nhiều lần khi mở ví điện tử. Bởi lẽ, chi phí định danh một tài khoản ngân hàng khoảng 300.000 đồng, chưa kể đến phí duy trì rất cao.
Theo NHNN, trong quý 1-2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018, còn số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng đến 97,7% và 232,3%. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động, vì thực tế hiện nay thông qua di động, người dùng có thể thực hiện nhiều dịch vụ hơn so với thanh toán tại quầy. |