Thành quả trên đã được ghi nhận và được đề xuất bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM năm 2018.
Trong căn phòng rộng hơn 40m2 mới được sửa sang, chị Kiều Lệ Anh (ngụ phường 15 quận 5) xúc động chia sẻ: “Cả đời tôi không nghĩ mình sẽ có được chỗ ở khang trang thế này. Nếu không nhờ phường, nhờ quận và các mạnh thường quân hỗ trợ, có lẽ giờ này căn phòng cũ đã đổ sập”.
Chị kể, gia đình chị có 5 người nhưng từ năm 2017 trở về trước, chỉ có mình chị là lao động duy nhất; mẹ già đau yếu, chồng bệnh, con lớn bệnh, còn con út đi học. Chồng chị, anh Dương Thế Hùng, bao năm qua chống chọi với đủ thứ bệnh, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Người con trai lớn đã hơn 20 tuổi, bị bệnh down, mọi việc vẫn cần chị chăm nom. Hoàn cảnh quá khó khăn, dù chị Lệ Anh xoay sở đủ mọi cách, làm đủ mọi việc, thì cũng chỉ đủ ăn cho cả nhà, còn gánh nặng thuốc thang cho 3 người bệnh, chị bất lực. Trước hoàn cảnh đó, quận 5 đã hỗ trợ gia đình chị Lệ Anh, chăm lo nhiều mặt: cho vay vốn ưu đãi, giới thiệu việc làm thêm, tặng sinh kế - xe máy để chị chở hàng, tặng học bổng cho con, tặng bảo hiểm y tế (BHYT)…
Tưởng đâu có sức khỏe chị sẽ vực được gia đình nhưng tai họa một lần nữa ập xuống, năm 2015 chị Lệ Anh bị té gãy xương háng và xương cổ chân. “Tôi nằm đó, nhìn cả gia đình đau bệnh mà xót xa. Trong lúc quẫn bách, tôi được quận vận động mạnh thường quân giúp gần 100 triệu đồng để phẫu thuật thay khớp háng. Những ngày nằm bệnh viện, tôi tự nhủ mình sẽ phải cố gắng, phải thoát nghèo vươn lên, không thể tiếp tục là gánh nặng cho xã hội”, chị Lệ Anh tâm sự. Năm 2016, khi sức khỏe chị hồi phục, quận đã tặng thêm một xe bán hủ tiếu để chị có phương tiện kiếm sống.
Điều quý giá, dù khó khăn thế nào, bao năm qua, chị luôn động viên con trai út không bỏ học, và cháu đã theo học bằng sự chung tay hỗ trợ học bổng từ địa phương. Sau nhiều năm kiên trì, đầu năm 2018, con trai út của chị tốt nghiệp cao đẳng và có việc làm ổn định. Từ đó, chị Lệ Anh có thêm người cùng gánh vác, lo liệu và gia đình chị đã thoát nghèo, có điều kiện sửa sang nhà cửa.
Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Kim Hoàng (68 tuổi, phường 3 quận 10) cũng vừa được phúc tra, xác định thoát nghèo. Ngồi trông quầy tạp hóa trước nhà, bà kể về sự đổi đời của gia đình: “Căn nhà trước đây do cha mẹ tôi dựng từ mấy chục năm trước. Nhà lụp xụp và xuống cấp theo năm tháng. Vách tường mục bể, mấy miếng ván ghép thành căn gác lửng ọp ẹp lắm rồi, đi phải rón rén, không dám đi mạnh. Trời mưa, nhà cũng lũm bũm nước, mỗi khi có xe chạy ngang qua là nước văng hết vào nhà. Khổ như vậy nhưng cả nhà 8 người vẫn phải cố ở, không dám nghĩ có ngày sẽ được ở nhà mới.
Đến năm 2017 được phường hỗ trợ, gia đình mượn thêm tiền để cất nhà khang trang”. Không chỉ được giúp có nhà mới, gia đình bà Hoàng còn luôn được địa phương quan tâm qua việc cấp thẻ BHYT, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, hỗ trợ vốn mở quầy tạp hóa để có thu nhập...
Cũng như gia đình chị Lệ Anh, gia đình bà Kim Hoàng, từ năm 2016 đến nay, hàng chục ngàn hộ nghèo trên địa bàn TPHCM đã được chăm lo, hỗ trợ nhiều mặt, tiếp thêm động lực để bước qua nghèo khó.
Giải pháp phù hợp
Chánh văn phòng UBND quận 5 Nguyễn Xuân Thành cho biết, đầu giai đoạn 2016-2020, quận có 375 hộ nghèo, cận nghèo. Quận 5 đã đưa ra nhiều mô hình giúp người dân thoát nghèo. Từng đối tượng, quận có giải pháp cụ thể tương ứng. Những gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có nguồn lực về lao động để tự vươn lên thoát nghèo, quận kết nối mạnh thường quân bảo trợ thường xuyên. Tất cả trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo được rà soát để có giải pháp hỗ trợ, không để các cháu bỏ học giữa chừng. Những gia đình có lao động, quận hỗ trợ vốn ưu đãi, tặng sinh kế để tự tạo công ăn việc làm. Thanh niên, trung niên trong gia đình nghèo được quận kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để dạy nghề và tạo việc làm - một trong các giải pháp căn cơ để người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Bằng tổng hợp các giải pháp, tất cả hộ nghèo của quận đã thoát nghèo; quận 5 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn TPHCM giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 3 năm và là quận đầu tiên của thành phố hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo trước thời hạn 2 năm.
Những con sốVề y tế, đầu năm 2016, có hơn 32.000 hộ thiếu hụt (chiếm 28% số hộ nghèo, cận nghèo), qua 3 năm, có 30.500 hộ đã được kéo giảm thiếu hụt y tế. Về tiếp cận thông tin, có gần 14.000 hộ thiếu hụt và đến nay đã kéo giảm được hơn 13.000 hộ. Về điều kiện sống, có hơn 43.000 hộ thiếu hụt (37%), đã kéo giảm được 25.500 hộ. Về giáo dục - đào tạo, có 56.700 hộ thiếu hụt (49%), đã kéo giảm được 23.300 hộ. Về việc làm và bảo hiểm xã hội, có 55.600 hộ (48%) và kéo giảm được 22.800 hộ. Nguồn lực huy động cho giảm nghèo năm 2016 là 3.360 tỷ đồng; năm 2017 là 3.911 tỷ đồng và 2018 khoảng 4.500 tỷ đồng. TPHCM hỗ trợ 782.000 thẻ BHYT cho các thành viên hộ nghèo, cận nghèo; miễn giảm, học phí cho 115.000 lượt học sinh. |
Đầu Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2016-2020, toàn địa bàn TPHCM có 115.000 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,7% tổng hộ dân thành phố), trong đó có 67.000 hộ nghèo. Qua 3 năm thực hiện các chính sách tác động và hỗ trợ, thành phố có 59.700 hộ vượt chuẩn nghèo và hơn 58.000 hộ vượt chuẩn cận nghèo. Đến cuối tháng 9-2018, TPHCM chỉ còn khoảng 3.700 hộ nghèo (0,19%) và 22.900 hộ cận nghèo; 11 quận với 156 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo và một quận với 15 phường không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo TPHCM. Với tỷ lệ này, TPHCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm.
Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM: Cần quan tâm chiều thiếu hụt về nghề nghiệp và nhà ởQua làm việc và giám sát ở các địa phương thì thấy những chỉ số thiếu hụt của hộ nghèo, cận nghèo đã cơ bản hoàn thành như y tế, nước sinh hoạt, tiếp cận thông tin. Nhưng có một số thang đo và chiều thiếu hụt về diện tích nhà ở, bảo hiểm xã hội, trình độ nghề, có tỷ lệ thiếu hụt cao nhưng sự kéo giảm còn khá thấp. Những chiều thiếu hụt này vẫn cần được quan tâm. Trước hết là đảm bảo nghề cho người trong độ tuổi lao động ở gia đình nghèo, cận nghèo. Hiện nay vẫn chưa có sự đồng bộ, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa nhu cầu học nghề, kiếm việc làm của thành viên hộ nghèo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước, cũng như giới thiệu thành viên hộ nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (xuất khẩu lao động). Đào tạo nghề là điều kiện căn cơ để thoát nghèo bền vững, vì vậy cần chú trọng liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động nghèo sau khi đào tạo nghề; đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, quan tâm đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng của người lao động, với doanh nghiệp. Cùng với dạy nghề, giới thiệu việc làm, một sự thiếu hụt đặc biệt quan trọng với hộ nghèo, cận nghèo chính là nhà ở. Đến nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình thiếu hụt về diện tích nhà ở nên rất cần được quan tâm, kéo giảm sự thiếu hụt ở chiều này. Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Giải pháp chuyển từ “cho” sang “hỗ trợ”Thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2016-2020, các địa phương khảo sát, nắm được thực trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho từng thành viên, từng hộ, góp phần kéo giảm nhanh tình trạng thiếu hụt và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong các giải pháp giảm nghèo, TPHCM đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ giải pháp “cho không” sang “hỗ trợ”, từ cho “con cá” sang đưa “cần câu” để người nghèo, hộ nghèo tự chủ động. Đây cũng là yếu tố quan trọng có tính quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả: chính quyền tạo động lực giảm nghèo, tác động bằng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Và yếu tố quyết định giảm nghèo chính là ý chí phấn đấu tự vượt nghèo của bản thân người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo. Người nghèo, cận nghèo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi nếp nghĩ, loại dần tư tưởng an phận, trông chờ ỷ lại; biết tự tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề tìm kiếm việc làm… Người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo đã biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Tiếp tục thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM 2 năm cuối (2019-2020) của giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã nâng chuẩn nghèo về thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm lên 28 triệu đồng/người/năm; chuẩn cận nghèo về thu nhập nâng từ 28 triệu đồng/người/năm lên 36 triệu đồng/người/năm. Những chiều còn nhiều thiếu hụt như dạy nghề, việc làm, nhà ở, đây đều là những chiều “khó”. Chúng tôi sẽ chú trọng hơn, tìm các giải pháp hữu hiệu hơn để giúp người nghèo cải thiện các mặt thiếu hụt này. |