Những ngày cuối tháng 6, TP Đà Lạt trải qua các trận mưa lớn, đỉnh điểm là chiều 23-6, sau hơn một giờ đồng hồ đã gây ngập trên diện rộng, nhất là các đoạn đường trong Khu quy hoạch Golf Valley Đà Lạt, đường Trần Quốc Toản (phường 2), đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 8). Đáng chú ý, trận mưa đã gây ngập úng ở hầu hết khu vực ven các suối chảy qua trung tâm Đà Lạt như: hạ lưu suối Cam Ly, Phan Đình Phùng; đoạn qua khu vực Hải Thượng, Hoàng Diệu, hạ lưu thác Cam Ly, Lê Lai (phường 5); đường Nguyễn An Ninh (phường 6), suối Hà Đông, suối Đa Thiện (phường 8), suối Quang Trung, Yersin. Do bị ngập, nhiều tài sản của người dân đã bị chìm trong nước; sạt lở xảy ra tại một số khu dân cư, buộc chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp nhiều hộ dân...
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương, suối và các công trình thoát nước, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn dòng chảy khi mưa lớn làm ngập lụt (nhất là các khu dân cư, vùng trũng thấp)…
Cách TP Đà Lạt hơn 100km, TP Bảo Lộc ở độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển cũng hứng chịu cảnh… mưa to là ngập. Mới đây, chiều 25-6, mưa kéo dài hơn một tiếng đồng hồ đã gây ngập nặng tại một số khu vực như đường Hà Giang, Lê Hồng Phong (phường 1); Lê Văn Tám, Ký Con, Nguyễn Công Trứ, Huỳnh Thúc Kháng (phường 2)… Qua rà soát, TP Bảo Lộc đã ghi nhận có 34 khu vực, vị trí nguy cơ cao xảy ra ngập úng, ngập lụt khi có mưa lớn tập trung ở phường 1, phường 2, phường Lộc Sơn, phường B’Lao và các xã Đại Lào, Lộc Châu.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân sơ bộ được đánh giá là do mưa với cường độ lớn và tập trung trong thời gian ngắn dẫn đến tiêu thoát nước không kịp, gây ngập cục bộ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố khách quan thì nguyên nhân chủ quan cần xem xét.
Trong Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ, quá trình san nền phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa việc đào đắp và đảm bảo yêu cầu thoát nước đô thị, bảo vệ mặt phủ tự nhiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, thực tế nhiều khu vực đã không đảm bảo được định hướng ban đầu, hệ thống thoát nước đã không làm tốt vai trò.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, hệ thống hành lang thoát nước đã bị “xâm lấn” nghiêm trọng như tại khu vực suối Yersin (phường 9, TP Đà Lạt). Tại đây, hàng trăm mét bề mặt suối đã bị người dân đổ bê tông bao phủ, biến nơi đây trở thành cống thoát nước tại nhiều vị trí, khả năng thoát nước bị hạn chế. Còn tại Khu quy hoạch Golf Valley Đà Lạt, hơn 10 năm trước từng tồn tại con suối nhỏ, là nơi thoát nước chủ yếu từ khu vực xung quanh. Sau khi lấp suối, những khu vườn sản xuất rau cũng được thay thế thành khu biệt thự thì bề mặt bê tông tại đây tăng cao, hệ thống thoát nước mới đã không đáp ứng được khả năng thoát nước.
Theo các chuyên gia, đô thị hóa, thay đổi hiện trạng dòng chảy tự nhiên đã tác động tiêu cực đến TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc, trong khi hệ thống thoát nước cũ kỹ đã không thể đáp ứng được khả năng tiêu, thoát nước khi xảy ra mưa lớn. Một giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Đà Lạt, nhìn nhận, diện tích nhà kính tăng cao, bao phủ bề mặt rộng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nước đổ dồn về một khu vực gây ngập úng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mộng Sinh (người có hơn 40 năm gắn bó với TP Đà Lạt) cho rằng, cần duy trì bằng được môi trường sinh thái của các hồ nước thiên nhiên và nhân tạo của thành phố để giúp tiêu thoát nước hiệu quả. Ngoài ra, rất cần quy hoạch lại các khu sản xuất nông nghiệp, trồng rau, hoa tại những vị trí phù hợp; sớm di dời những nhà kính ở khu trung tâm ra xa.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, từ nhiều năm nay, Đà Lạt đã bị ngập khi có mưa lớn, nguyên nhân chính là do trong quy hoạch phát triển đô thị chưa tính toán được lượng nước thoát, khiến cho nước chảy trên bề mặt dồn về một số khu vực gây ngập. Vì thế cần có hệ thống tiêu thoát nước cho từng khu vực cụ thể, phân nước khu vực nào chảy thoát ở khu vực đó.