Lũy kế 9 tháng ước tăng 7,89% (cùng kỳ tăng 7,84%). Trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 7,91%), bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 8,39%, cao hơn mức tăng toàn ngành công nghiệp.
Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động ổn định, không có biến động nhiều. Mặt khác, nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn đạt được khá do nhu cầu tiêu dùng tăng, kỳ vọng của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế vĩ mô và sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, khuyến khích sản xuất phát triển.
Riêng về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 88.565 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 12,7% so với tháng 9/2017. Lũy kế 9 tháng ước đạt 769.327 tỷ đồng, tăng 12,8% (cùng kỳ tăng 10,82%).
Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng sản xuất công nghiệp và thương mại vẫn duy trì đà tăng trưởng thì kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố lại có biến động mạnh. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu hải quan thành phố ước đạt gần 23,1 tỷ USD, tăng 4,6%, ngược lại nhập khẩu ước đạt 28,85 tỷ USD, tăng 7,18% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thâm hụt 5,75 tỷ USD.
Hiện TPHCM vẫn là địa phương có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước, nhưng nếu xét cơ cấu từng ngành hàng thì ở nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm hoặc tăng thấp.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, để đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp thành phố trong quý 4, sở triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Hiện hội đồng bình chọn đã chấm điểm và xét chọn 53 sản phẩm của 37 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố...