Tìm kiếm mô hình cạnh tranh toàn cầu
Phóng viên: TPHCM đón nhận thông tin các cơ quan Trung ương, nhất là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng tình với chủ trương cho phép TPHCM thành lập TP Thủ Đức như thế nào?
Đồng chí NGUYỄN THÀNH PHONG: Trong thời gian qua, Trung ương luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển TPHCM, như: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, Kết luận 21-KL/TW về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16; Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Với truyền thống đổi mới sáng tạo, kinh nghiệm thực tiễn và sự ủng hộ mạnh mẽ đã nêu sẽ là nguồn động lực quan trọng để TPHCM tiếp tục nỗ lực nghiên cứu những mô hình mới, phát huy hết khả năng, điều kiện, lợi thế sẵn có của mình để phát triển nhanh và bền vững vì cả nước, cùng cả nước. Đặc biệt, đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp TPHCM hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ, hàm lượng tri thức cao mà TPHCM đã theo đuổi, chuẩn bị và đầu tư qua nhiều nhiệm kỳ.
TPHCM đặt những mục tiêu quan trọng gì khi đề xuất thành lập TP Thủ Đức, thưa đồng chí?
Trong suốt hơn 3 thập niên kể từ đổi mới, dù còn một số hạn chế, song TPHCM vẫn luôn nỗ lực và duy trì được vị trí đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước. Hiện nay, TPHCM chiếm khoảng 9,4% dân số và 0,6% diện tích của cả nước nhưng đóng góp GDP nhiều nhất cho cả nước, với khoảng 22,3%; đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia và thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước. TPHCM có GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2019 đạt 6.395USD, gấp 1,25 lần năm 2015 và gấp 2,4 lần so với cả nước.
Bên cạnh các kết quả đạt được, TPHCM đang đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng. Đó là sự vượt trội về tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm, tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, sự vượt trội về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh giảm, hạ tầng giao thông bất cập. Cùng đó, còn có sự chênh lệch mức sống lớn, một số vấn đề xã hội còn bất cập, nhất là già hóa dân số cản trở lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố. Điều này đòi hỏi TPHCM không ngừng nghiên cứu, phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo và thực hiện các giải pháp vừa mang tính đột phá vừa mang tính đồng bộ để phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, để chuẩn bị cho tương lai phát triển của TPHCM và tiếp tục đóng góp mạnh mẽ cho cả nước, cũng như tiếp nối truyền thống đổi mới sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM thì việc tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và tăng trưởng cạnh tranh là hết sức cần thiết.
TP Thủ Đức sẽ được phát triển theo các chuẩn mới, như chuẩn về quy hoạch đô thị, chuẩn về chất lượng sống, chuẩn về dịch vụ chất lượng cao. Có như thế mới đảm bảo phát triển tốt các ngành hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Điều này đòi hỏi phải có con người, bộ máy chuẩn mực, đảm bảo trình độ phù hợp, có kỹ năng tốt, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị thông minh và tiên phong trong quản lý hiện đại. Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG |
TP Thủ Đức (với quy mô diện tích hơn 211km², dân số hơn 1.013.000 người) là nơi mà TPHCM kỳ vọng đóng góp 1/3 GRDP của TPHCM, tương đương khoảng 7% GDP cả nước, chỉ sau TP Hà Nội. TP Thủ Đức sẽ trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ khâu sáng tạo tri thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp và thương mại hóa giải pháp, sản phẩm chất lượng cao, với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Gắn với kinh tế tri thức, công nghệ
Điểm nhấn khác biệt của TP Thủ Đức là gì, thưa đồng chí?
Việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM được kỳ vọng là một vùng động lực tăng trưởng mới, dựa trên tam giác tăng trưởng với 3 cực, gồm: (1) Trung tâm tài chính quốc tế, (2) Trung tâm giáo dục trình độ cao, (3) Trung tâm khoa học, công nghệ cao. 3 cực này sẽ giúp TPHCM ngày càng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để TPHCM tiếp tục phát huy vai trò là động lực mạnh mẽ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đà tăng trưởng cho các tỉnh lân cận cùng phát triển. Từ đó, TPHCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và phát triển xứng tầm là một TP lớn trong khu vực và quốc tế.
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Song song đó, muốn phát huy thế mạnh của các trung tâm, các khu chức năng cần một bộ máy quản lý hành chính Nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, sự chủ động để tạo sự kết nối, tương tác cao giữa các nhân tố phát triển nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, thế mạnh của 3 quận, của TPHCM, khu vực và cả nước. Bộ máy này có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành một động lực mạnh mẽ nhất, lớn nhất của TPHCM, khu vực và cả nước.
TPHCM có các bước, kế hoạch cụ thể hóa chủ trương chấp thuận thành lập TP Thủ Đức như thế nào, thưa đồng chí?
TPHCM đề xuất thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM với mô hình “thành phố trong thành phố”, là mô hình chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, mô hình này hoàn toàn phù hợp do đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 2 luật này quy định về các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có: “huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương…”.
Bên cạnh đó, TPHCM xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện các nhiệm vụ lớn như: tuyên truyền, lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc thành lập TP Thủ Đức; thành lập, hoàn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương của TP Thủ Đức (ở cấp thành phố có HĐND và UBND TP Thủ Đức, ở cấp phường có 34 UBND phường); UBND TPHCM cũng tăng cường việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền đủ mạnh và tăng cường tính chủ động, tính chịu trách nhiệm cao cho chính quyền TP Thủ Đức. Đồng thời, trên cơ sở ý tưởng thiết kế được duyệt, hoàn chỉnh quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP; kêu gọi đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu chức năng, 8 trung tâm…
TP Thủ Đức cũng là nơi đột phá thể chế, nên TPHCM thực hiện các giải pháp nâng tầm các trường đại học đạt chuẩn quốc tế, phát triển thêm các khu đại học mới, thực hiện chính sách tạo điều kiện tối đa cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, TPHCM sẽ thiết lập cơ chế chính sách để quản lý, thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức phù hợp quy định pháp luật, các quy tắc và thông lệ quốc tế; thực hiện các chính sách hiệu quả nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp.