TPHCM đang triển khai mô hình chính quyền Thành phố (TP) Thủ Đức để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Đây là mô hình chính quyền thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước. Vì vậy, bên cạnh những lợi ích hứa hẹn mang lại thì cũng có nhiều bài toán đặt ra khi triển khai thực hiện mô hình này.
Bài toán về quản lý đô thị, hạ tầng...
Những lợi ích rất lớn có thể kể đến khi thành lập TP Thủ Đức như: nâng chất đội ngũ cán bộ công chức và cơ quan hành chính nhà nước; tập trung được nguồn lực, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, TP Thủ Đức được thành lập cũng làm tăng giá trị sử dụng của đất đai, tạo ra những ngành nghề và việc làm mới, nâng cao giá trị lao động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người lao động… Đây cũng là cơ hội lớn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, để TP Thủ Đức phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết, trong công tác quản lý nhà nước, việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn so với trước đây có thể phát sinh nhiều vấn đề như công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội... Bên cạnh đó, việc thay đổi địa giới hành chính dẫn đến phải thay đổi địa chỉ, người dân phải tốn chi phí, thời gian làm lại rất nhiều loại giấy tờ, đổi bảng hiệu, biển hiệu.
Một vấn đề khác cũng đặt ra, đó là tranh chấp dân sự giữa người dân với người dân, tranh chấp hành chính giữa người dân với cơ quan nhà nước sẽ được giải quyết như thế nào? Đó là chưa kể, tâm lý của một số cán bộ công chức các đơn vị chính quyền địa phương có thể bị tác động do có sự xáo trộn trong thời gian đầu về bộ máy và nhất là tác động tâm lý đối với những người thuộc diện dôi dư do sắp xếp.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị - đất đai, ngay khi có thông tin chấp thuận chủ trương thành lập TP Thủ Đức, đã có dấu hiệu xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất gây sốt ảo trên thị trường bất động sản. Tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép... dẫn đến những hệ lụy về sau rất lớn khi thực hiện quy hoạch, không còn quỹ đất để phát triển. Trong khi đó, tiến độ quy hoạch, điều chỉnh và công khai quy hoạch để thực hiện còn chậm, ảnh hưởng rất đến quyền lợi khai thác giá trị đất của người dân. Điều này làm người dân rất bức xúc.
Trong lĩnh vực hạ tầng, TP Thủ Đức rất cần một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức. Cũng từ đây, thách thức lớn nhất đòi hỏi phải giải quyết, là nguồn kinh phí ở đâu để đầu tư? Thực trạng của quận 2, 9 và Thủ Đức có môi trường sông nước, kênh rạch, vùng trũng... nên vấn đề ngập lụt được giải quyết như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo môi trường sống hạnh phúc, trong lành cho người dân? Rất nhiều câu hỏi như vậy đang đặt ra và đòi hỏi giải pháp xử lý phù hợp khi TP Thủ Đức thành hình.
Tăng phân cấp, ủy quyền
Tôi có một số kiến nghị để xây dựng hoàn thiện mô hình chính quyền TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Trước hết, đối với biên chế cán bộ công chức của TP Thủ Đức khi thực hiện sáp nhập, UBND TPHCM cần chủ động xây dựng đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời xây dựng lộ trình tinh giản biên chế, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cùng với đó, để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ và quy hoạch của TP Thủ Đức, UBND TPHCM cần căn cứ vào thẩm quyền và quy định để tăng cường phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ cho UBND TP Thủ Đức thực hiện, nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn của chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận hiện nay, để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
UBND TPHCM cũng cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm mới để nâng cao giá trị lao động, tạo môi trường ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chính quyền TPHCM cần sớm công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và xóa quy hoạch để người dân có cơ hội kịp thời khai thác, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc phát huy các thiết chế văn hóa và xây dựng thêm nhiều không gian xanh cần được chú trọng nhằm đảm bảo môi trường sống tốt, hạnh phúc hơn cho người dân TP Thủ Đức.
Trước những biến chuyển sắp tới, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự cần được tăng cường hơn, nhất là quản lý cư trú đối với người lao động nhập cư, công nhân các công trình xây dựng. Xử lý nghiêm tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép... gây phá vỡ quy hoạch đô thị. TPHCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước, góp phần phục vụ người dân nhanh chóng, thuận lợi.
Trong lĩnh vực kinh tế, việc xác định mô hình kinh tế ở TP Thủ Đức tập trung vào lĩnh vực kinh tế tri thức, công nghệ cao. Vậy vấn đề cần quan tâm là lộ trình để người dân, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế tri thức, công nghệ cao như thế nào? Nguồn lực ở đâu? Người dân có thể làm những công việc gì để có đời sống thịnh vượng? |