Nhiều điểm nghẽn
Theo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, 4 huyện ngoại thành (Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ) phía Tây của TP có đặc điểm tự nhiên là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng, lãnh thổ rộng lớn, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Địa hình đa dạng đã tạo ra nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam. Đây cũng là vùng đất có nền văn hóa rất phong phú với nhiều làng nghề truyền thống.
Khu đô thị Hoà Lạc là hạt nhân của thành phố phía Tây |
Về hạ tầng giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô, có đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm thành phố với các huyện trên cùng các Quốc lộ 21, 32, 6 và đường Vành đai 3,5, đường Vành đai 4 đang xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Thủ đô với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước. Đặc biệt, tại khu vực này còn có những khu chức năng, dự án cấp quốc gia như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút được đông đảo nhà đầu tư.
Đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm TP Hà Nội với khu vực các huyện phía Tây |
Tuy nhiên cùng với những lợi thế phát triển, khu vực 4 huyện còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch. Ngoài Đại lộ Thăng Long thì các trục giao thông như Quốc lộ 6 và Quốc lộ 21 đã bị quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ của 4 huyện trên cũng đã cũ, không đáp ứng tốt cho nhu cầu. Các tuyến đường liên xã nhỏ và chất lượng cũng đang dần xuống cấp. Tốc độ triển khai quy hoạch chung rất chậm (khoảng 10%) ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng tại khu vực. Đặc biệt việc triển khai quy hoạch với nhiều chức năng di dời giảm tải trong nội đô như: các cơ sở giáo dục, y tế chưa hoàn thành do nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế và thiếu các chính sách phát triển đột phá cho khu vực này.
Hướng tới trung tâm kết nối trí tuệ
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, với tiềm năng, lợi thế trên, cùng với những hạn chế hiện tại, phương án phát triển khu vực phía Tây được xây dựng với định hướng chủ đạo là mô hình thành phố phía Tây là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, đô thị sinh thái gắn với dịch vụ du lịch, làng nghề và nông nghiệp hữu cơ. Trong đó tập trung chủ yếu phát triển đô thị Hòa Lạc là hạt nhân chính để phát triển thành phố phía Tây bằng các cơ chế riêng và hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh. Giữ nguyên định hướng trục Hồ Tây - Ba Vì, chỉ vi chỉnh để đảm bảo tính khả thi nhằm hình thành không gian và trung tâm văn hóa mới của Thủ đô. Vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi cụm làng nghề, xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Hạ tầng cơ sở tại khu vực phía Tây của Thủ đô đang có sự phát triển mạnh mẽ |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng để xây dựng thành phố phía Tây, cần xem xét lại chủ trương di dời các cơ sở chức năng trong nội đô ra các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư; xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến. Hành lang xanh để bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề.
Bản đồ quy hoạch khu vực đô thị Hoà Lạc |
Ông Lê Chính Trực, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị, đơn vị tư vấn cần rà soát lại một số chức năng của thành phố phía Tây dựa trên thực tế nhu cầu các địa phương như: y tế, giáo dục, thương mại để xác định rõ nét hơn phát triển khu vực này. Đồng thời, làm rõ hơn những tiêu chí của mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; quy mô phát triển đô thị với quy mô dân số được xác định đến năm 2050. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị cần nghiên cứu, xem xét các chỉ tiêu, tiêu chí sử dụng đất, đặc biệt là với những khu vực đất cần giữ lại có tính khả thi trong quy hoạch, phù hợp với khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc. Đối với lĩnh vực văn hoá - giáo dục, do sinh viên nhập học tại Đại học Quốc gia ở Hoà Lạc ngày càng đông nên cần xem xét đến vấn đề đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội.