Đó là những phần quà được mua từ tiền lương của anh cộng với sự đóng góp của người thân và bạn bè. Trong 2 năm, Quang thực hiện những chuyến đi như thế, với suy nghĩ của ít lòng nhiều.
Chuyện là buổi trưa nọ, Quang dừng xe mua mấy tờ vé số của người đàn ông đứng gần cột đèn tín hiệu giao thông. Quang hỏi: “Sao tay ông run dữ vậy?”. Người đàn ông dáng gầy gò, trả lời nhẹ hều: “Tôi đói!”. Trời sắp đổ mưa, tiếng còi xe thêm ồn ã. Người đàn ông cúi đầu cảm ơn Quang vì đã ủng hộ hết phần vé số đã cận kề giờ xổ, làm Quang nhớ mãi.
Hôm khác, mới gần 22 giờ, những phần quà của Quang mang theo đã tặng hết cho bà con. Trên đường về nhà, anh thấy vẫn còn một số người lang thang, cơ nhỡ ngồi bên đường. Quang nghĩ, ngày mai sẽ mang những phần quà còn lại tặng hết cho mọi người. Quang là kiểu người “thôi kệ, mình sống sao cũng được”, chưa bao giờ nói không với người dưng, dù chỉ gặp nhau trên phố, để rồi mang trong mình dòng máu yêu thương và san sẻ.
Nhớ hồi tôi mới lên thành phố, một buổi chiều trời mưa tầm tã, tôi với cậu bạn thân đứng lơ ngơ trước cổng Bến xe miền Tây giữa dòng người tấp nập, đông đúc. Rồi ngày tháng cũng trôi qua, thành phố trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ở đây, có những con người bộc trực, thẳng tính, trong bụng nghĩ sao thì nói vậy. Đêm trước ngày giãn cách xã hội toàn thành phố, những con hẻm chúng tôi đi qua vắng tanh vắng ngắt. Những tháng qua, nhiều bàn tay đã nắm chặt lại để cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn bằng những sẻ chia nghĩa tình. Trên các tuyến đường như Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp)…, dễ dàng thấy có nhiều nhóm thiện nguyện đến trao quà cho bà con vô gia cư.
Và, nhiều bếp ăn dã chiến cũng lần lượt nhóm lửa. Có những bếp ăn, mỗi ngày cung cấp lên đến hàng ngàn suất ăn gửi đến bà con trong khu cách ly, phong tỏa, cho đội ngũ y bác sĩ trong các bệnh viện khắp thành phố. Không chỉ ăn no, đầu bếp còn cần mẫn thay đổi thực đơn mỗi ngày để bà con ăn được ngon miệng hơn. Có hôm, bếp cung cấp cơm chay cùng cơm mặn; cũng có hôm bếp thực hiện nấu món bún, miến hay bánh ướt… kèm theo trái cây như chuối, chôm chôm để bà con tăng cường dưỡng chất, mau chóng hết bệnh.
Thành phố có những tòa nhà cao tầng, khu đô thị hiện đại với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn cao ở mức cao nhất cả nước. Hai mươi năm thôi, dòng nước đen ngòm, những căn nhà sàn lụp xụp chạy dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nay trở thành con đường đẹp đẽ, với tên gọi Hoàng Sa, Trường Sa. Diện mạo thành phố đã thay đổi theo hướng hiện đại, quy củ, nhưng sự bao dung, nghĩa tình vẫn không hề suy suyển.
Nhịp sống của người Sài Gòn - TPHCM trong những ngày này bình lặng hẳn, “ai ở đâu thì ở yên đó”, không tay bắt mặt mừng nhưng lòng người vẫn kết nối với nhau, nhất là qua không gian mạng. Trên đó có lời hỏi thăm động viên nhau, sự chia sẻ và cả lời chia buồn khi người thân của bạn bè không may qua đời vì Covid-19. Sẽ không ai trách cứ khi lời chia buồn được thể hiện trên không gian mạng thay vì đến thắp cho nhau nén nhang, như trước đây. Khi dịch bệnh ập tới, mọi thứ trở nên vội vã nhưng lòng người thì vẫn vậy, vẫn bao dung, hào sảng, nghĩa tình như cốt cách của người Nam bộ.