Thành phố Hồ Chí Minh: Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Hôm nay 3-1, các trường THCS và THPT ở TPHCM sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đón học sinh (HS) các khối 7, 8, 10 và 11 trở lại trường cùng khối 9 và 12. So với 2 tuần thí điểm trước đó, nhiều phương án bố trí nhân sự và tổ chức phân luồng đã được các trường áp dụng nhằm đảm bảo an toàn cho HS.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khai báo y tế trước khi vào trường. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khai báo y tế trước khi vào trường. Ảnh: CAO THĂNG

Trường học chủ động

Ngày 31-12-2021, UBND TPHCM chính thức quyết định mở rộng đối tượng HS đến trường từ ngày 4-1-2022. Như vậy, trường học có 4 ngày triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho HS. 

Từ giữa tuần qua, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh HS các khối 7, 8, 10 và 11 theo hình thức trực tuyến để chuẩn bị tâm thế cho các em trở lại trường học. Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho biết, nhà trường đã họp phụ huynh HS 2 khối 7, 8 để giải đáp thắc mắc, lắng nghe ý kiến của phụ huynh. Nhà trường quán triệt tinh thần “HS đến trường phải khỏe mạnh và chỉ khi khỏe mạnh HS hãy đến trường” nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học. Ngoài ra, nhà trường giữ nguyên thời khóa biểu của các khối lớp, chỉ chuyển đổi hình thức từ dạy học trực tuyến qua trực tiếp để không gây xáo trộn và ảnh hưởng tâm lý HS. Nhà trường bố trí số lượng cán bộ đo thân nhiệt và giám sát HS tăng gấp đôi so với 2 tuần thí điểm trước đó, quy định cầu thang di chuyển riêng biệt cho từng khối lớp, tổ chức giờ vào học lệch nhau 15 phút giữa các khối lớp để đảm bảo giãn cách HS. 

Tại Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình), Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Sương, thông tin, từ ngày 10-1, HS khối 7, 8, 9 bước vào kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ 1. Các em chỉ còn một tuần lễ để ôn tập và bổ sung kiến thức. Tận dụng “thời gian vàng” dạy học trực tiếp, nhà trường tổ chức cho HS khối 7, 8, 9 đi học liên tục từ ngày 4-1 đến ngày 8-1, mỗi buổi 4 tiết, bố trí giờ học lệch ca giữa các khối lớp. Đơn cử, trong cùng buổi học, giờ vào học của khối 8 bắt đầu từ tiết 1 (12 giờ 45), tan học lúc 16 giờ 15, khối 7 bố trí học từ tiết 2 (13 giờ 30) và tan học lúc 17 giờ nhằm giảm mật độ HS vào đầu và cuối giờ học. Nhà trường còn huy động lực lượng giáo viên thể dục hỗ trợ đo thân nhiệt, giám sát HS giờ ra chơi và hướng dẫn di chuyển vào giờ ra về. HS được khuyến khích nghỉ ngơi, vui chơi tại chỗ trong giờ ra chơi. Riêng đối với giáo viên, trong thời gian chuyển tiết giữa các tiết học, thầy cô nghỉ ngơi tại lớp để hỗ trợ giám sát HS. Tất cả phòng học đều được bố trí sơ đồ chỗ ngồi cố định cho HS để hạn chế di chuyển, nhanh chóng khoanh vùng khi có trường hợp nghi nhiễm. Trường hợp giáo viên là F0, toàn bộ HS của lớp sẽ được bố trí xuống hội trường để tiếp tục tiết học theo hình thức trực tuyến, giáo viên livestream dạy học tại nhà. 

Đối với bậc THPT, cô Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8), cho biết, 2 ngày cuối tuần qua, toàn bộ HS khối 10, 11 đã được giáo viên chủ nhiệm gửi bộ công cụ nhận diện và ứng xử văn minh khi có trường hợp nghi nhiễm trong trường học qua nhóm Zalo. Ngày mai (4-1), HS được hướng dẫn một lần nữa trong buổi sáng đầu tiên trở lại trường. Trong giờ chơi, nhà trường tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức. “HS 3 khối đồng loạt trở lại trường sẽ khó thực hiện việc tách lớp như 2 tuần thí điểm vừa qua. Nhà trường sẽ tận dụng hội trường, các phòng chức năng có diện tích rộng hơn để đảm bảo khoảng cách chỗ ngồi cho HS”, đại diện trường bày tỏ.

Học sinh khối 12, Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) trở lại trường học từ ngày 20-12

Linh hoạt ứng phó tình hình mới

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, sau 3 tuần triển khai dạy học trực tiếp cho HS khối 12, dù đã phát hiện các F0 nhưng chưa xảy ra ca lây nhiễm chéo giữa HS trong trường học. Từ ngày 4-1-2022, các trường THPT sẽ mở cửa đón 100% HS trở lại trường, riêng bậc THCS đón 3/4 khối lớp khiến quy mô HS tăng 3 lần, khối lượng công việc nhiều hơn, công tác bố trí nhân sự khó khăn hơn cho các trường học. 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý, trường học cần bố trí lực lượng đảm bảo quy định phòng chống dịch cụ thể trong từng thời điểm, tránh tình trạng học sinh ùn ứ ở khu vực máy đo thân nhiệt hoặc rửa tay sát khuẩn vào đầu và cuối buổi học. Bên cạnh đó, các trường cần duy trì thói quen cho HS khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM, trường học cần tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có, kết hợp 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến cho HS, ưu tiên dạy học trực tiếp các môn nhiều tiết. Thời khóa biểu vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, đáp ứng quy định tổng thời lượng dạy học trực tiếp và trực tuyến ở từng khối lớp vừa thuận tiện việc đưa đón của cha mẹ HS.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng chỉ đạo, khi mật độ HS đến trường tăng cao, để duy trì hiệu quả tổ chức như 2 tuần vừa qua, trường học phải làm tốt công tác khoanh vùng, xử lý một cách tối ưu khi phát hiện ca nghi nhiễm. Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của biến thể mới, các đơn vị phải lường trước, chuẩn bị phương án để đảm bảo an toàn trong trường học.

Tin cùng chuyên mục