PHÓNG VIÊN: Ở thời điểm hiện tại, ngành du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đã phát triển đạt mức trước đại dịch Covid-19. Từ những dữ liệu này, đồng chí có nhận định gì về xu hướng vui chơi, du lịch của du khách?
Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN VĂN DŨNG:
Sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi so với trước đại dịch Covid-19. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) cũng ghi nhận, trong quý 1-2024, đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, đạt 97% mức trước đại dịch. Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 82% mức trước đại dịch.
Tại TPHCM, 8 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón hơn 3,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21% so với cùng kỳ, khách nội địa hơn 23 triệu lượt, tăng 6,7% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt hơn 123.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 32,3% so với năm 2019.
Cùng với sự phục hồi về lượng khách và doanh thu, các xu hướng du lịch cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa ngày càng được du khách quan tâm.
Theo báo cáo của Booking.com (nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến - PV), trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.
Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới, 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi…
Cách đây vài ngày, TPHCM được vinh danh khi chiến thắng ở 6 hạng mục quan trọng của Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards tại Manila, Philippines) và Lễ trao giải thưởng du lịch MICE thế giới (World MICE Awards) tại TPHCM. TPHCM sẽ định hướng khai thác, thu hút du khách quốc tế ra sao, thưa đồng chí?
Những giải thưởng danh giá nói trên không chỉ ghi nhận nỗ lực của ngành du lịch và các ngành có liên quan mà còn cho thấy việc xác định các sản phẩm du lịch chủ lực gắn với lợi thế của thành phố để đầu tư, khai thác và xúc tiến, quảng bá trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Đó là các dòng sản phẩm du lịch lễ hội - sự kiện, du lịch MICE, du lịch kết hợp kinh doanh.
Để tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực này trong thời gian tới, UBND thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp với các sở ngành nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách và triển khai đồng bộ cùng các nhóm giải pháp quan trọng khác, nhất là phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung của thành phố.
Vậy TPHCM sẽ tập trung thu hút các thị trường quốc tế nào?
Để xác định thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng cũng như nhu cầu, thị hiếu của du khách tại các thị trường này, thành phố đã chỉ đạo ngành du lịch định kỳ tổ chức nghiên cứu thị trường.
Hiện thành phố đang tập trung thu hút khách từ các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Tây Âu (Đức, Anh, Pháp…), Australia và Đông Nam Á.
Song song đó, thành phố cũng quan tâm phát triển những thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ, Trung Đông… Hình thức xúc tiến quảng bá cũng phải vừa đa dạng vừa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu từng thị trường mới đạt hiệu quả cao.
Thưa đồng chí, TPHCM có định hướng cụ thể như thế nào về chiến lược phát triển du lịch “xanh” ?
Sự tăng trưởng của TPHCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có thách thức phát triển bền vững. Với vai trò ngành kinh tế tổng hợp, có tính lan tỏa cao, du lịch được xác định là một trong những ngành cần tiên phong chuyển đổi xanh để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững theo 17 tiêu chí của UNESCO cũng như triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam về việc giảm phát thải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.
Hơn nữa, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa đang trở thành yêu cầu tất yếu của ngành du lịch toàn cầu.
Trên địa bàn TPHCM, khi nhắc đến mảng xanh, du khách cũng ấn tượng với các điểm đến tại Củ Chi, Cần Giờ - địa điểm được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” đầu tiên ở Việt Nam. Cần Giờ cũng là địa phương được TPHCM lựa chọn thí điểm chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Thời gian qua, các tour du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp trồng cây xanh, trải nghiệm đạp xe, dọn rác làm sạch môi trường… được tổ chức tại TPHCM ngày càng nhiều, trong đó mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) được định hướng trở thành một trong những điểm đến Net Zero đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía du khách, doanh nghiệp lữ hành.
Hội chợ ITE HCMC 2024 vừa qua với chủ đề “Du lịch bền vững, kiến tạo tương lai” và chuỗi diễn đàn, hội thảo xoay quanh chủ đề này cũng là bước quan trọng chuẩn bị triển khai chiến lược du lịch xanh cho thành phố; nhất là rà soát, hoàn thiện các giải pháp, tiêu chí, kế hoạch hành động cụ thể và xây dựng những cơ chế, chính sách mang tính động lực để phát triển ngành du lịch, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.