Giảm gánh nặng học phí
Năm học 2021-2022, Trường THPT Thăng Long (quận 5) tăng 120 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước. Bên cạnh đó, các khoản thu phí trong năm học này đều được điều chỉnh theo hướng giảm nhằm chia sẻ khó khăn với người học.
Cụ thể, phí nội trú giảm từ 2.600.000 đồng/tháng của năm học trước xuống còn 2.500.000 đồng/tháng trong năm học này, phí bán trú giảm từ 900.000 đồng/tháng xuống 800.000 đồng/tháng, học phí 2 buổi/ngày giảm từ 1.750.000 đồng/tháng xuống 1.550.000 đồng/tháng. Tương tự, tại quận 6, Trường THPT Quốc Trí tăng 90 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, đồng thời giảm mạnh phí nội trú từ 5.670.000 đồng/tháng của năm học trước xuống còn 3.870.000 đồng/tháng, phí bán trú giảm từ 3.250.000 đồng/tháng xuống 1.450.000 đồng/tháng trong năm học này.
Giảm mạnh các khoản phí cũng là chính sách ưu đãi được hàng loạt cơ sở giáo dục ngoài công lập như THCS-THPT Duy Tân (quận 10), THCS-THPT Ngọc Viễn Đông (quận 12), THPT Việt Mỹ (quận Tân Bình), THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Tân Phú)… áp dụng trong năm học tới nhằm thu hút người học.
Ngoài ra, tại Trường THPT Lý Thái Tổ (quận Gò Vấp), ông Nguyễn Thuyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, với mong muốn giảm gánh nặng chi phí cho người học trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà trường đã quyết định giảm 30% học phí tháng đầu tiên cho tất cả học sinh, miễn 100% học phí cho học sinh xuất sắc, giảm 20% học phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện gia đình chính sách và học sinh có học lực khá giỏi.
Ở hệ trung cấp, năm học tới, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh từ 2.745 của năm học trước lên 3.150, trong đó nhiều ngành có nhu cầu tuyển sinh cao như cơ khí chế tạo, công nghệ ô tô, điện tử công nghiệp… Tương tự, hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM (quận 6) thông báo tăng 55 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, đồng thời mở rộng thời gian nhận hồ sơ từ tháng 1-2021 thay cho việc chỉ nhận hồ sơ từ tháng 5 như các năm trước.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, năm nay học phí của các ngành học tương đương hoặc tăng không đáng kể so với năm học 2020-2021. Riêng ở hệ giáo dục thường xuyên, để tăng tính cạnh tranh, năm học 2021-2022, Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5) đẩy mạnh các chương trình đào tạo tiếng Anh và tin học theo chuẩn quốc tế. Ngoài chương trình giảng dạy 10 môn văn hóa, trung tâm sẽ mở 10 lớp đào tạo nghề miễn phí cho học viên, gồm các ngành điện lạnh, logistics, thiết kế website, điện công nghiệp, chế biến thực phẩm, hướng dẫn viên du lịch, quản lý bán hàng siêu thị, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện. Kết thúc 3 năm học, người học sẽ được cấp 2 bằng, gồm tốt nghiệp THPT (do Bộ GD-ĐT cấp) và trung cấp nghề (do Bộ LĐTB-XH cấp). Đây được xem là một trong những giải pháp tăng thêm cơ hội việc làm cho người học, rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo.
Phát triển hệ thống ngoài công lập
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021, toàn thành phố có 99.569 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, 83.324 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 114 trường THPT công lập năm học 2021-2022 là 67.989 học sinh. Như vậy sẽ có hơn 17.000 học sinh rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập.
Để giải quyết chỗ học cho những học sinh này cùng với hơn 16.000 học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, TPHCM dành hơn 45.000 chỉ tiêu tuyển sinh tại 122 trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX, trường trung cấp nghề. Như vậy, so với hơn 35.000 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ngoài công lập, hệ giáo dục thường xuyên và trung cấp nghề những năm trước đây, năm nay những học sinh không có nguyện vọng hoặc không trúng tuyển lớp 10 công lập có rất nhiều cơ hội lựa chọn chỗ học.
Một lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, các trường THPT ngoài công lập đã “gánh” gần 30% học sinh lớp 10 cho hệ thống giáo dục công lập, chưa kể con em của các cư dân lao động từ các tỉnh, thành khác về TPHCM sinh sống. Hiện nay, TPHCM đã có nhiều chính sách phát triển hệ thống các trường ngoài công lập như ưu đãi vốn vay, tăng thêm quyền tự chủ…
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhân lực tại TPHCM sẽ tăng thêm 150.000 vị trí việc làm. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16% và trình độ đại học trở lên chiếm 18%.
Thực tế đó cho thấy việc nỗ lực giành một suất học lớp 10 tại các trường THPT công lập không phải là lựa chọn duy nhất đối với học sinh sau khi tốt nghiệp bậc THCS. Thay vào đó, các em cần căn cứ vào năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế của bản thân để lựa chọn môi trường học tập phù hợp.
Năm 2019, tổng số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố là 82 trường, trong khi trường công lập là 112 trường. Năm học 2021-2022, số trường ngoài công lập tăng lên 84 trường, tương đương 2 trường tăng thêm của khối công lập, trong đó nhiều hệ thống trường ngoài công lập có chi nhánh rộng khắp ở nhiều quận huyện. |