Ưu tiên sản phẩm chủ đạo
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, du lịch MICE (hội thảo, hội nghị kết hợp du lịch) là sản phẩm chủ đạo của TPHCM. Trước đây, du khách chỉ xem TPHCM là điểm trung chuyển, đưa khách đến các tỉnh, thành thì nay đã có sự thay đổi rõ rệt, vì TPHCM đã có thêm các sản phẩm du lịch mới, khai thác đa dạng cả dòng khách bình dân lẫn cao cấp. Tuy vậy, TPHCM cũng cần đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn cho du lịch, để không chỉ là điểm trung chuyển mà phải trở thành điểm đến hấp dẫn. Ở đây, nhiệm vụ của các công ty lữ hành đóng vai trò rất quan trọng. Phải biết khách cần gì, điểm đến ở đâu, sản phẩm thế nào? Không phải là kiểu ăn xổi ở thì, nhanh mà không vội vàng, thiếu bền vững.
“Muốn làm được phải tính đến bài toán con người. Nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu phát triển. Làm thế nào và giữ chân người làm du lịch chuyên nghiệp thế nào? Không vơ bèo gạt tép. Làm gì để kiến tạo một đội ngũ những người làm du lịch đủ tài, đủ tâm, đủ tầm. Không một du khách nào chấp nhận được chuyện “chặt chém”, dịch vụ tạm bợ... Du lịch phải sang, phải đẹp và việc của ngành du lịch cũng như các đơn vị chuyên trách cần hành động để đạt được sự sang, đẹp đó”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Thời gian tới, ngành du lịch TPHCM sẽ làm gì để có sản phẩm vừa sang, vừa đẹp như mong muốn của Bộ trưởng? Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho hay, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực để phục hồi kinh tế; tạo tiền đề, nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2023-2025, bảo đảm tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) từ 8%-8,5%/năm giai đoạn 2021-2025 như mục tiêu đã đề ra. Không chỉ có đóng góp quan trọng về kinh tế, du lịch còn là ngành mang tính liên kết cao trong hệ sinh thái du lịch.
7 tháng đầu năm 2022, du lịch TPHCM đã ghi dấu ấn đáng khích lệ khi đã đón 13,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và hơn 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 75,5% so với kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế nêu trên vẫn còn rất khiêm tốn so với trước dịch Covid-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của TPHCM. Do đó, bên cạnh việc ban hành các chủ trương, chính sách, chương trình phục hồi, phát triển du lịch; ngành du lịch cũng tập trung nâng chất và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đẩy mạnh thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch; khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đầu tư căn cơ
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), thông tin, về lâu dài, ngành du lịch vẫn hướng đến khai thác và phục vụ khách quốc tế bên cạnh phục vụ nhóm khách nội địa như hiện nay. Hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đến thị trường quốc tế như Mỹ, Ấn Độ, Singapore… Thêm nữa, Saigontourist Group tập trung củng cố nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng để phục vụ du khách ở hiện tại và tương lai.
Để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành cũng như khách quốc tế đến TPHCM, ngành du lịch thành phố đã liên tiếp “làm mới”, hàng loạt sản phẩm du lịch hấp dẫn với sự chung tay từ nhiều hãng lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, TSTtourist… Chẳng hạn như tour tham quan “lá phổi xanh” Cần Giờ, du lịch nội đô, trải nghiệm ẩm thực đêm trên sông Sài Gòn, về Chợ Lớn xem múa lân… Mới đây, Sở Du lịch TPHCM đã công bố và cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng di động; triển khai chương trình du lịch mẫu gắn kết các tài nguyên, tập trung phối hợp với TP Thủ Đức và 21 quận, huyện. Thông tin từ UBND huyện Cần Giờ, địa phương vẫn mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, góp phần làm bật lên sản phẩm du lịch đặc trưng như nghỉ dưỡng, du lịch đêm, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái… ở vùng đất này. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch tại TPHCM tiết lộ, đã có vài nhà đầu tư tìm hiểu, sẵn sàng “rót” vài chục tỷ đồng cho du lịch đêm Cần Giờ. Tuy vậy, vị này chia sẻ, đang trong quá trình đàm phán nên thông tin tạm thời chưa được công khai.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khuyến nghị, doanh nghiệp phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm kém chất lượng sẽ không ổn, bởi khách đến TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung không chỉ để mua sắm, mà còn để tìm hiểu, khám phá văn hóa. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn, nếu làm chưa tới sẽ gây méo mó hình ảnh, thậm chí phản văn hóa. “Muốn làm được du lịch đòi hỏi phải có sản phẩm. Sản phẩm quyết định việc khôi phục, thúc đẩy du lịch phát triển trở lại, phải làm cho sản phẩm du lịch chạm đến trái tim du khách. Làm được điều này, du lịch sẽ phát triển bền vững và thành công. Nhưng việc này không dễ. Đầu tư cho du lịch phải thật căn cơ, cần có những “đại bàng” tới làm tổ mới được”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu.