1. Dải đất cong cong hình chữ S, với bờ biển dài hơn 3.200 cây số và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - Việt Nam gần như ôm trọn toàn bộ mặt tiền Biển Đông, là kỳ tích của bao đời dân Việt, qua các thời kỳ vệ quốc bằng máu xương, nước mắt…
Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, dân cư, thì ngoài những nét tương đồng, ba miền Bắc, Trung, Nam, có sự khác biệt về văn hóa, phương ngữ, phong cách sống. Người Bắc mê chèo, người Trung thích tuồng, người Nam ham cải lương. Đàng Ngoài trọng trưởng, trọng nam, nên Quyền huynh thế phụ. Đàng Trong lại thương út, thương nữ nên Giàu út ăn, khó út chịu. Ở miền Nam, chuyện ở rể là bình thường. Chuột kêu rúc rích trong rương/ Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường má hay. Không “phò thịnh’’, triết lý sống của người Đàng Trong lại “phò suy’’, nhằm an ủi, giúp đỡ kẻ sa cơ, người yếu thế. Đó còn là anh hùng hảo hớn, trọng nghĩa khinh tài: Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha (Nguyễn Đình Chiểu - truyện Lục Vân Tiên).
Một thời, có khá nhiều người nghĩ: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ là do người Pháp chia ra. Kỳ thực năm 1832, vua Minh Mạng đã phân chia và đặt tên như vậy. Cũng thời kỳ đó, để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, năm 1834, triều
Nguyễn đã lập ra Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nguồn cư dân Nam bộ chủ yếu có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sau năm 1954 và 1975, phối kết với người bản địa như Khmer, Chăm, người Hoa phản Thanh phục Minh. Đất miền Nam là đất khai khẩn lập ấp, thường thì đưa con thứ trở xuống từ Đàng Ngoài vào. Hơn nữa, ông Tổ đất phương Nam, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, lại là con út. Có lẽ vì vậy mà người lớn nhất của gia đình chỉ được gọi là anh Hai, chị Hai.
2. Lâu nay có nhiều giải thích khá lý thú về tên gọi Sài Gòn. Lần đầu tiên (năm 1776), nó đã được ghi chính thức ở Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn, với tên gọi là Lũy Sài Gòn. Thời Pháp, Nam kỳ là xứ thuộc địa nên người Pháp trực tiếp điều hành xã hội. Sài Gòn là một trong năm khu của xứ Nam kỳ, nhưng lại được ghi vào văn bản là Thủ đô (Capital) của xứ thuộc địa Nam kỳ (Colonie de Cochinchine). Từ thành phố này, năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Khởi nghĩa Nam kỳ, cuộc tập dượt lớn nhất cho Cách Mạng Tháng Tám, cũng phát xuất từ Sài Gòn rồi lan tỏa xuống các tỉnh miền Tây và kết thúc bi tráng tại Ngã Ba Giồng - Bà Điểm - Hóc Môn. Chỉ mới vỏn vẹn 28 ngày độc lập, Sài Gòn lại tiên phong mở màn bằng Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), chống thực dân Pháp trên toàn quốc. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), cũng là cuộc tập dượt lớn nhất cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (năm 1975) thì Sài Gòn là địa điểm ác liệt, kiên cường nhất.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Sài Gòn đã chịu đựng và hy sinh vô bờ bến, để tạo nên một Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Ngày 30-4-1975, Sài Gòn được giải phóng. Theo Nghị quyết Quốc hội khóa VI, ngày 2-7-1976, Sài Gòn chính thức được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Thành phố Hồ Chí Minh. Người Sài Gòn là tích hợp và đại diện cho phong cách sống Nam bộ. Đó là bình dị và hào sảng, nghĩa khí và vị tha.
Đầu năm 1976, cả gia đình tôi vào quận Gò Vấp sinh sống. Sau giải phóng, tình hình thành phố khi đó không phải là không căng thẳng, nhưng thật kỳ lạ, dân chúng vẫn bình tĩnh, trật tự. Lỡ xảy ra chuyện gì thì chỉ bắt tay, cười xòa, làm hòa. Đi chợ gặp các bà, các má bán hàng đều được mời chào thân thiện như người thân quen: Ăn gì không con? Mua gì không con? Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, nhất là cấm vận, người Sài Gòn cũng phải chịu đói, ăn bo bo, củ mì, rau lang; xếp hàng mua nước ngọt, dầu hôi. Đi ra các tỉnh ngoài chủ yếu bằng xe đò đốt than. Xuống xe người cứ đen thui, mũi móc ra cả cục bụi tro. Thế mà ít thấy ai than vãn. Thật là một phong cách sống lạc quan, đáng yêu.
Vai trò của phụ nữ Sài Gòn rất nổi trội. Trong kháng chiến là Đội quân tóc dài, Đội nữ biệt động… Trong thời bình là những gương mặt tiêu biểu như bà Ba Thi lương thực; bà Ba Huân, “Nữ hoàng hột vịt”, được Forbes vinh danh là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam,… Nhiều và nhiều lắm, không kể xiết. Thật độc đáo, có lẽ chỉ ở TPHCM mới có Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.
TPHCM là thành phố của nhân ái, nghĩa tình. Sài Gòn thương người như thể thương thân. Thành phố này như là vùng đất chan hòa, không có khoảng cách về văn hóa, địa lý, ngôn ngữ trong quan hệ giao tiếp, sinh sống, làm ăn; là nơi phát xuất nhiều phong trào thiện nguyện. Nhớ lại trận đại dịch Covid-19, thành phố chịu nhiều tổn thất, nhưng vẫn ráng giúp cho các tỉnh thành khác. TPHCM vì cả nước, cùng cả nước.
Do sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nên Sài Gòn là nơi tiên phong cách tân văn hóa, nghệ thuật truyền thống nước nhà. Phong trào Thơ mới; Dòng tân nhạc lãng mạn… đều bắt nguồn từ đây. Người Sài Gòn mê cải lương lắm. Thành phố có rất nhiều đoàn hát. Cải lương là loại hình nghệ thuật vừa thính phòng, vừa sân khấu, là sự phối kết giữa nền kịch nghệ phương Tây với dòng nhạc đờn ca tài tử và dân ca Nam bộ, chứa chất nhiều tâm tư, hoài niệm.
3. Những năm 2001-2006, thành phố có chủ trương lập một trường đại học riêng. Việc đặt tên trường theo địa danh Sài Gòn vào giai đoạn này còn khá nhạy cảm. Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng của thành phố, nên ngày 30-6-2006, tại Hà Nội, đoàn TPHCM do chị Phạm Phương Thảo, khi đó là Chủ tịch HĐND TPHCM, làm trưởng đoàn, và tôi làm chủ nhiệm đề án, đã báo cáo và bảo vệ thành công Đề án thành lập và xây dựng Trường Đại học Sài Gòn.
Tết vừa rồi, thành phố chúng ta đón chào mùa Xuân Giáp Thìn bằng việc chính thức khai trương Vườn hoa Hướng Dương, khu Công viên bờ sông Sài Gòn, để dân chúng và du khách thưởng ngoạn. Điều này như là một biểu tượng thân thiện, hữu nghị. Quả thật, thành phố mình luôn năng động, sáng tạo. Ngoài giá trị thẩm mỹ, việc làm trên cũng đưa ra thông điệp mới về hoạt động phát huy và bảo vệ môi trường. Rồi thành phố trẻ trung này sẽ ngày càng được mở rộng, phát triển. Thành phố mang tên Người đẹp dần lên trong mắt ta.