Sống vì mọi người
Mờ sáng, chừng 4 - 5 giờ, khi con hẻm 151 đường Lạc Long Quân (phường 1 quận 11) còn “ngái ngủ” thì cửa Bếp ăn từ thiện Thiện Tâm đã rổn rảng mở. Dì Út (tên Hồ Thị Phụng, 69 tuổi, quê An Giang) lục đục dậy nấu cơm. Trời sáng chút nữa, có thêm chục dì ghé lại xào rau, kho đậu, luộc cải, làm nước chấm…, nhắm chừng 9 giờ là cho cơm, thức ăn vô hộp đặng mang phát người nghèo, người tàn tật, bệnh nhân khó khăn ở mấy bệnh viện (BV). “Út hổng có nhà. Trước Út phụ bán bún riêu, bún mọc. Cách nay 4 năm, Út bị tai biến, nằm viện cả tháng trời. Người nhà mấy bệnh nhân khác thấy Út một thân một mình, họ thương và lo cho cơm nước. Hết bệnh, Út hổng đi làm lại được. May mắn Út gặp dì Ba lúc ghé qua bếp ăn. Dì thương, lo cho Út chỗ ở, ăn uống. Rồi giờ Út phụ dì nấu cơm cho người nghèo luôn. Dì Ba nấu cơm từ thiện hơn chục năm nay rồi. À, dì tới rồi kìa…”, đang kể dì Út chỉ tay ra phía ngoài.
Dì Ba (tên thật là Trần Thị Nhung, 69 tuổi) vừa tới đã nhanh nhảu hướng dẫn nấu thức ăn, tự tay xào rau, vô cơm... Dì nói: “Mỗi ngày bếp ăn cung cấp khoảng 1.000 suất tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện An Bình và nhiều người nghèo. Tính ra, cả tháng nấu hơn 14.000 suất ăn đó. Mình nấu thiệt tình cho bà con ăn no bụng đặng có sức chăm sóc người bệnh”. Dì Ba kể, năm 2008, khi đi khám bệnh ở BV Ung bướu TPHCM, thấy người nhà bệnh nhân nháo nhào đi lấy cơm bên ngoài về ăn, dì nghĩ đến việc nấu cơm từ thiện, liền rủ thêm 4 bà bạn già lập nhóm nấu ăn. Dì Ba ra chợ mua từng cái nồi, rổ, chậu, hộp xốp, đũa muỗng, rồi đi tuốt lên chợ đầu mối Bình Điền mua rau củ… Dì kể: “Hồi đầu mình mua mọi thứ. Mua riết thành quen. Bà con tiểu thương biết mình nấu cơm cho người nghèo, họ cho luôn. Giờ ngày nào họ cũng chở qua tận nơi cho cả tấn rau củ. Tới người bán gas cũng vừa bán vừa cho. Hộp đựng cơm thì được tài trợ. Cứ hết hộp, dì lại gọi báo là họ giao qua. Mới đó mà 11 năm rồi. Giờ có hơn 30 người tham gia nấu cơm, cùng làm từ thiện với dì. Cứ giấc chiều là mấy dì, mấy thím trong phường tụ lại cắt gọt củ quả chuẩn bị nấu cho bữa mai. Dân mình nhiệt tình lắm, cái gì giúp cho người nghèo làm liền hà”.
Nói tới đó, có người bán vé số đến xin hộp cơm, dì Ba đưa rồi hỏi thăm mấy câu. Cầm hộp cơm nóng hổi trên tay, chị Nữ (người bán vé số) xúc động: “Mỗi ngày đi bán vé số cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu, tôi còn phải lo cho mấy đứa nhỏ. May có bếp ăn này, đỡ đần phần nào”. Đâu riêng chị Nữ, hồi thấy dì Trương Nhân (66 tuổi, bán vé số) bơ phờ đi lại khập khiễng khó nhọc dưới trời nắng, dì Ba thương kêu lại cho cơm, hỏi thăm và dặn “mai ghé lại”. Hôm sau, khi đến, dì Nhân rớt nước mắt khi bất ngờ thấy trước mặt mình là chiếc xe lăn mới toanh. Rồi biết dì Trần Kim Thanh (hơn 60 tuổi, ngụ 47/2H Phú Thọ, quận 11) sống đơn thân, nhà xuống cấp, dì Ba cho 15 triệu đồng sửa lại tươm tất căn nhà.
Chưa hết, có lần đúng sáng 30 tết, điện thoại dì Ba đổ chuông. Từ đầu dây bên kia, giọng Phó trưởng Ban chỉ huy quân sự phường gấp gáp: “Dì Ba ơi, có trường hợp này trong phường mình tội nghiệp lắm, vừa mới mất sáng nay, nhà nghèo quá, không có tiền mua hòm”. Nghe xong, dì Ba nói luôn: “Dì lo được! Đợi dì liên hệ bên nhà đòn”. Dứt cuộc gọi, dì tức tốc gọi cho Trại hòm Vãng Sanh Đường đặt mua hòm, áo quần tang, nghi lễ ma chay… Luôn sẵn lòng giúp đỡ ngay với cả người không quen biết, đến giờ đã có mấy chục đám ma chay ở khu phố, dì tận tâm lo đến cùng. Nói về việc mình làm, dì bảo: “Với người nghèo cần giúp ma chay, họ đã nhờ đến mình là cần lắm rồi. Nhiều người sống cả một đời khó nhọc, nhà cửa không có, đến khi rời cõi tạm cũng vất vưởng trăm đường. Mình lo được gì che chở họ nằm yên về với đất thì ráng lo. Dì không có nhiều tiền, được cái xung quanh luôn có nhiều người chung tay. Dân thành phố mình nghĩa tình lắm con ơi”.
Không chỉ nấu cơm phát miễn phí, dì cùng hàng chục người còn tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây hơn 30 nhà tình nghĩa, xây hơn 40 cầu tình thương ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau…
Ấm nồng những tấm lòng biết san sẻ
Tôi gặp dì Lê Thị Tuyết Mai (59 tuổi, quê Cà Mau) vào một buổi trưa nắng đỏ mắt, khi dì cầm trên tay phần ăn miễn phí do BV Ung bướu TPHCM cung cấp cho bệnh nhân. Mắt dì đỏ hoe, ngấn nước khi nói về bệnh tình của mình: “Đã 8 năm nay, dì quá quen với cảnh sống trong bệnh viện. Nhà dì nghèo, mẹ già nằm một chỗ, con thì đang đi học, tiền điều trị căn bệnh ung thư thiệt như muối bỏ bể. Những ngày ở bệnh viện, dì nhờ mấy phần ăn này qua bữa, chứ tiền đâu ra mà mua cơm”.
Bếp cơm từ thiện dành cho bệnh nhân của BV Ung bướu TPHCM được tổ chức từ nhiều năm qua. Không chỉ có Khoa Dinh dưỡng phụ trách, mỗi tuần còn có 4 - 5 nhóm từ thiện đến nấu cơm cho bệnh nhân. “Mỗi ngày bếp cơm từ thiện nấu chừng 600 - 700 suất cho bệnh nhân bình thường và 200 - 300 suất cơm bệnh lý gồm có súp, sữa bệnh lý, cháo loãng... Các kỹ thuật viên của BV cũng như tình nguyện viên bên ngoài đến nấu rất nhiệt tình, tuân thủ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ sáng đến trưa, họ luôn tất bật vì người bệnh”, điều dưỡng Trần Thị Thùy Trang cho biết. Còn chị Dương Thị Minh Hằng, người trực tiếp nấu những suất ăn miễn phí tại BV, chia sẻ: “Hàng ngày, chứng kiến cảnh bệnh nhân và người nhà vất vả, thật sự rất thương. Bệnh tật, nghèo khó, không ít người nhịn ăn từng bữa để tiết kiệm lo tiền chạy chữa... Do vậy, khi nấu ăn cho họ, mình nấu bằng tất cả tình thương. Mỗi suất ăn luôn thật chất lượng, chứ không phải chỉ để qua bữa”.
Ở thành phố này, đâu riêng chuyện nấu cơm từ thiện, những điều miễn phí, mà còn có những con người bình dị nhưng đã là điểm tựa của biết bao cuộc đời. Ngày nhận kết quả trúng tuyển ngành Y đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Thùy Trang (quận 8) vui mừng xen lẫn lo lắng. Trang tâm sự: “Cha em làm bảo vệ khu phố, lương tháng chưa tới 3 triệu đồng, phải lo cho cả gia đình. Mẹ bị bệnh nặng từ khi em học lớp 10, em còn 2 đứa em. Từ ngày mẹ bệnh, em tất tả kiếm lớp dạy thêm để trang trải chuyện ăn học, đỡ đần cha. Học phí đại học 15 triệu đồng/năm thật sự nặng với gia đình em”.
May mắn đến với Trang ngay từ năm nhất đại học, cô bé được nhận học bổng toàn khóa liên tục 6 năm do gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc tài trợ. Dù ông không còn nhưng bà Nguyễn Thị Thu Cúc (bà Năm Quấc - vợ ông) vẫn tiếp tục thực hiện tâm nguyện của chồng: hỗ trợ sinh viên y khoa nghèo, hiếu học đến khi ra trường. Ngày nhận học bổng lần thứ 5 của mình, Trang trải lòng: “Nhờ học bổng ý nghĩa này, em có cơ hội học tiếp dễ dàng”.
Trang là một trong số 120 sinh viên được nhận học bổng toàn khóa từ gia đình bà Năm Quấc. Bà còn hỗ trợ vốn cho hơn 100 huyện của 17 tỉnh, thành để chăm lo người nghèo, phụ nữ. Bà Năm nói: “Vốn dĩ, mình đến trong cuộc đời nay chỉ có hai bàn tay trắng. Rồi mai này, nếu phải đi xa, mình cũng không mang theo được gì. Tôi nghĩ vậy, nên những phần việc mà gia đình chia sẻ với các em sinh viên, những người nghèo khó là chuyện rất bình thường, nên làm”.
Nếu có ai đó hỏi rằng, đặc sản của TPHCM là gì, tôi sẽ không chần chừ trả lời: Không phải vài món ăn, một vài di tích, những tòa nhà cao tầng người ta “check in” ngày ngày, mà là tình người ấm áp. Ở đây, ngay trong mỗi khu phố, con hẻm nhỏ, ngay trong mỗi con người bình dị luôn có một tinh thần sẻ chia vô điều kiện. Người ta có thể gặp ở ngã ba, ngã tư nào đó những thùng trà đá miễn phí, những ổ bánh mì ăn không trả tiền; người ta dễ thấy trước cổng một BV nào đó hình ảnh phát cơm từ thiện; và cũng không khó để bắt gặp một con hẻm nhỏ có những người biết sẻ san từ miếng nước, đồ dùng y tế tới cả những chuyện hệ trọng của đời người…
Thành phố đâu chỉ có mỗi dì Ba nấu cơm từ thiện, bà Năm Quấc lo tiền học cho sinh viên nghèo, chú Phúc “hẻm ông Tiên”, má Cúc nuôi heo đất, chị Trinh nào đó bán cơm đầu hẻm như cho không người lao động nghèo... thành phố còn quá nhiều con người bình dị, rất thầm lặng, như những mảnh ghép nhỏ tạo nên một thành phố nghĩa tình.