Hiện nay, người dân sử dụng nhiều các sản phẩm làm từ nhựa, khó phân hủy. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm sinh viên Trường Cao Đẳng Phương Đông Đà Nẵng (phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu) tận dụng nguồn rác thải từ nhựa tạo nên sản phẩm trang trí phù hợp với kiến trúc tại các quán cà phê, triển lãm, sân chơi cho trẻ em, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị.
Bà Trương Lê Phương Thảo, Phó Bí thư Đoàn Trường Cao Đẳng Phương Đông Đà Nẵng đánh giá, đây là một ý tưởng độc đáo, nền tảng phát triển cho sản phẩm mới. Bằng những đầu óc sáng tạo, đầy bản lĩnh của giới trẻ, chúng ta có thể khởi nghiệp từ những phế thải tưởng như bỏ đi.
Ngoài việc xử lý rác thải, để xây dựng thành phố môi trường, việc sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm là điều cần lưu tâm. Ngày nay, nhu cầu sử dụng năng lượng điện quá lớn. Cùng một lúc, ngành điện không thể đáp ứng lượng điện đến các điểm tiêu thụ, bởi nguồn phát có hạn. Nhằm tránh sự mất an toàn, an ninh điện, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử (Tổng Công ty Điện lực miền Trung phát minh hệ thống điều hòa phụ tải từ xa).
Dựa vào nhu cầu thực tế, hệ thống sẽ tập trung khu vực có nhiều người cần sử dụng nhất trong giờ cao điểm, tạm hoãn với khu vực còn lại. Công ty điện lực sẽ thông báo mỗi khi có sự điều chỉnh phụ tải, tránh ảnh hưởng đến việc sinh hoạt-sản xuất.
“Hệ thống giúp san sẻ lượng điện năng một cách thích hợp, kiểm soát việc sử dụng, tiết kiệm điện năng, hạn chế chi phí đầu tư thiết bị nếu cần cung cấp đủ", ông Nguyễn Vĩnh Hùng, chuyên viên phòng nghiên cứu phát triển, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử (Tổng Công ty Điện lực miền Trung), cho biết.
Cũng là ý tưởng bảo vệ môi trường, nhóm sinh viên Phan Phước Thanh Thuận, Phùng Thị Hải Châu, Huỳnh Thị Dung của Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng nghiên cứu chế phẩm sinh học BIO-MS1 dùng trong chăn nuôi và cây trồng. Theo khảo sát, số lượng hộ dân nuôi chim cút ở miền Trung rất lớn. Trong khi đó, phân chim cút lại chứa nhiều vi sinh vật có hại, nên nếu xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây bệnh đường hô hấp, tiêu hóa cho người, gây bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Với chế phẩm sinh học BIO-MS1 giúp xử lý mùi hôi chuồng trại, giảm dịch bệnh, giúp người nuôi chim cút ít sử dụng chất kích thích, kháng sinh. Từ đó, người nông dân tạo nên nguồn phân hữu cơ vi sinh dùng cho cây trồng, tiết kiệm thời gian ủ. Bên cạnh đó, nhóm tạo ra phân hữu cơ vi sinh dạng viên tránh việc thất thoát chất dinh dưỡng ra ngoài môi trường.
Trong quá trình nghiên cứu, TS. Đoàn Thị Vân, giảng viên khoa Sinh- Môi trường, Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng, cho biết: “Người nông dân hiếm khi sử dụng chế phẩm vi sinh, vì vậy chúng tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận.” Nhóm nhận được sự hỗ trợ từ trường, các cấp hội về thiết bị, quảng bá, xâm nhập thị trường thông qua triển lãm,... Năm 2019, sản phẩm đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp miền Trung (Starup Runway 2019).Từ những sản phẩm đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay, khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu với những điều lớn lao mà nhiều khi là từ những trăn trở, giải quyết các vấn đề thường nhật của thành phố hiện nay. Với ngày hội khởi nghiệp, sinh viên, đoàn viên có cơ hội thể hiện bản thân, định hướng tư duy nghiên cứu, cọ xát với môi trường cạnh tranh từ thực tiễn, nhận được những góp ý từ những nhà đầu tư, chuyên gia có kinh nghiệm.