Mới đây, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì họp nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 977-KL/TU, ngày 1-2-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.
Trong thời gian qua, nhiều vùng sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh đã có thu nhập khá, cải thiện đáng kể đời sống gia đình; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long hoạt động khá tốt. Thanh long vẫn là cây trồng chủ lực, có ưu thế của tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của các hộ trồng thanh long và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long. Từ thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kết luận số 977 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-UBND, ngày 22-4-2024 về Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030.
Thời gian qua, Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, đã triển khai thực hiện công tác chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc; từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ vào chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, góp phần phát triển thanh long.
Tuy nhiên, việc phát triển, tiêu thụ thanh long còn có những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, giống thanh long hiện hữu bộc lộ nhiều hạn chế, sâu bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng trái; chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long còn thấp; sản phẩm chế biến từ thanh long chưa phong phú; thu nhập bình quân của người dân từ việc đầu tư thanh long những năm gần đây có xu hướng giảm.
Ngoài ra, công tác phân tích, dự báo, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại chưa kịp thời, chưa sát với tình hình thực tế; việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thể hiện qua tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 16,5% sản lượng;...
Đáng lưu ý, tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP chỉ đạt 31,81% tổng diện tích (mục tiêu của Đề án là 70 - 75% tổng diện tích); tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP chỉ đạt 1,7% tổng diện tích (mục tiêu của Đề án là 10% tổng diện tích); tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (organic) chỉ đạt 0,46% tổng diện tích (mục tiêu của Đề án là khoảng 5% tổng diện tích).
Trước những vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, tiềm năng, lợi thế của thanh long; qua đó, đề ra chiến lược phát triển, định vị, nâng tầm giá trị, thương hiệu thanh long Bình Thuận.
Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thanh long. Thu hút, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu, sản xuất thanh long đa dạng hóa sản phẩm chế biến thanh long ở các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nâng cao năng lực tiếp nhận, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...), thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc lựa chọn các giống mới có năng suất, chất lượng cao, không dịch bệnh, tốt để nhân rộng, thay thế giống cũ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hoạch; nghiên cứu từng bước triển khai mô hình trồng thanh long giảm phát thải.
Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch.
Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát việc sử dụng các loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, chất cấm... trong sản xuất, bảo quản sản phẩm thanh long; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nghiên cứu đề xuất, rà soát các chính sách đã có để điều chỉnh, bổ sung phù hợp; đồng thời, ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương khuyến khích, hỗ trợ phát triển thanh long phù hợp với điều kiện, tình hình của tỉnh.
Đến nay, với diện tích khoảng 26.900ha, sản lượng đạt 460.000 tấn, Bình Thuận đang là vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn, trong đó có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.610 tấn/năm và 3 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm. Diện tích cây thanh long VietGAP đạt khoảng 8.559ha, GlobalGAP khoảng 453 ha. Thanh long được tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc với 85% sản lượng, còn khoảng 15% được tiêu thụ trong nước. 9 tháng đầu năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,4 triệu USD, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2023.