Theo kế hoạch, giai đoạn 1 đến năm 2025 sẽ tập trung tổ chức lại Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng thủ dân sự quốc gia trên cơ sở các BCĐ cấp quốc gia: BCĐ phòng thủ dân sự quốc gia; BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian thực hiện tháng 6-2024.
Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống kế hoạch phòng thủ dân sự bảo đảm phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngành, lĩnh vực của cả nước và địa phương; bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phổ biến cho nhân dân kỹ năng cần thiết để biết tự bảo vệ trước sự cố, thảm họa và chung tay bảo vệ cộng đồng.
Trong giai đoạn này, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, kiện toàn tổ chức lực lượng phòng thủ dân sự từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế điều hành hoạt động phòng thủ dân sự phù hợp cơ cấu tổ chức, khả năng bảo đảm và đặc điểm loại hình sự cố, thiên tai. Triển khai các chương trình, đề án, chiến lược ngành đã được phê duyệt; ưu tiên nguồn lực, tập trung hoàn thành các công trình thiết yếu ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao. Đặc biệt, sẽ triển khai thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phòng thủ dân sự Trung ương, Quỹ phòng thủ dân sự địa phương.
Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030 và những năm tiếp theo, tập trung cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt đối với các loại hình sự cố, thiên tai, có nguy cơ cao; chú trọng nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Hoàn thành xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự tại các khu vực rủi ro thiên tai cao; đăng ký, thống kê hệ thống công trình lưỡng dụng, sẵn sàng trưng dụng cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự khi có tình huống.