Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Các Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (Tổ phó Thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Các thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Quyết định nêu rõ, Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cấp có thẩm quyền.
Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã ký quyết định số 84/QĐ-BCĐ ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo được yêu cầu các Tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, báo cáo và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội; xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của các Tiểu ban theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban.
Thủ tướng phân công rõ nhiệm vụ của các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Cụ thể:
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, các khoản hỗ trợ đối với người dân, đặc biệt là người mất việc làm, người xa quê tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội; chỉ đạo việc thực hiện mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc... phục vụ phòng, chống dịch..
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế; trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước; chỉ đạo việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, kể cả việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của các luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa; chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng và đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch.