Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khoá XV, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, với việc sửa đổi pháp luật về tổ chức Toà án nhân dân, tới đây sẽ thành lập thêm 1 Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Cần Thơ với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 10 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và 1 Tòa án nhân dân cấp cao tại tỉnh Yên Bái với thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 15 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, ngành còn triển khai việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, trong đó tổ chức đầy đủ các Tòa chuyên trách như tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án cấp huyện hiện nay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong khối lượng rất lớn công việc xây dựng và thi hành pháp luật của ngành Toà án.
“Tòa án Nhân dân tối cao được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh; trong đó, chủ trì soạn thảo 9 luật, pháp lệnh; phối hợp rà soát 5 luật”, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sẽ hoàn thành vào năm 2022, để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Toà án Nhân dân tối cao xác định, sẽ sửa đổi, bổ sung về cơ cấu, tổ chức của các Tòa án cho phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung các ngạch Thẩm phán của các cấp Tòa án; ban hành văn bản quy định về mô hình tổ chức hành chính tư pháp áp dụng cho các cấp Tòa án, trong đó phải quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình thực hiện nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của bộ phận hành chính tư pháp nhằm phân tách hoàn toàn các quy trình thủ tục mang tính chất hành chính với quy trình thủ tục tố tụng tại các Tòa án.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, ngành này được giao chủ trì nghiên cứu, tổng kết thực tế để xây dựng Luật Điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên. Dự án Luật này sẽ cung cấp một khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật.
Một dự án luật quan trọng khác là Luật Điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân cũng đang được Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu xây dựng. Để thực hiện nhiệm vụ này, theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Tòa án Nhân dân tối cao đã nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” trình Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến.
“Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thống nhất với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về việc nghiên cứu, xây dựng Luật điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá sâu sắc và hoàn thiện hơn nữa về chế định hội thẩm nhân dân”, lãnh đạo ngành Toà án thông tin.
Theo đó, Luật Điều chỉnh về Hội thẩm nhân dân sẽ xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu bảo đảm nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án một cách thực chất, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy công bằng tư pháp, nâng cao niềm tin của công chúng vào công lý, hướng tới xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cùng với việc xây dựng mới một số luật, Tòa án Nhân dân tối cao được giao chủ trì xây dựng Pháp lệnh điều chỉnh về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Tòa án; Pháp lệnh về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án (thay thế Pháp lệnh số 02/2012 về Chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng).
Đáng lưu ý, qua công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất Quốc hội xem xét, bổ sung vào Đề án 1 luật và 1 pháp lệnh mới.
Cụ thể, bổ sung Luật về tố tụng điện tử để quy định về trình tự, thủ tục tố tụng điện tử (cấp, tống đạt điện tử; cung cấp, thu thập chứng cứ điện tử; tổ chức phiên tòa, phiên họp điện tử...) trong việc giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự tại Tòa án. Bổ sung Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa nguời nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân.