Thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết

Ngày 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) với 469/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội ngày 20-6. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội ngày 20-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Luật PTDS xác định rõ nguyên tắc hoạt động PTDS. Theo đó, PTDS phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ PTDS và áp dụng các biện pháp PTDS phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.

Đồng thời, kết hợp PTDS với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban chỉ đạo PTDS quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về PTDS trên phạm vi cả nước. Tổ chức lại Ban chỉ đạo PTDS quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành Ban chỉ đạo PTDS quốc gia.

Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PTDS quốc gia.

Luật PTDS cũng quy định rõ, lực lượng PTDS bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Lực lượng nòng cốt bao gồm dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và của bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Luật quy định thành lập Quỹ PTDS, trước đó, khi thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc thành lập Quỹ PTDS là cần thiết. Đồng thời, bổ sung quy định về nguyên tắc việc điều tiết giữa Quỹ PTDS và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa được thực hiện trong trường hợp cấp bách và giao Chính phủ quy định việc điều tiết giữa các quỹ này như dự thảo luật.

* Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Dự án góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.

Dự án đầu tư công; tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 129ha, tổng mức đầu tư và nguồn vốn khoảng 1.930 tỷ đồng gồm cả nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Tin cùng chuyên mục