Phòng Nghiên cứu Khoa học đô thị TPHCM do Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Mỹ hợp tác thành lập.
Phòng Nghiên cứu Khoa học đô thị TPHCM có nhiệm vụ nghiên cứu và tham mưu cho Sở QH-KT trong các công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và thiết kế đô thị. Bên cạnh đó, phòng còn có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong và ngoài nước vào công tác nghiên cứu và quản lý kiến trúc đô thị.
Theo nội dung hợp tác, Phòng Nghiên cứu Truyền thông (Media Lab) thuộc MIT cùng Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thành lập và vận hành Phòng Nghiên cứu Khoa học đô thị TPHCM với mục tiêu tìm hiểu, xây dựng mô hình phân tích và dự đoán sự phát triển đô thị tại TPHCM.
Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc cũng hợp tác với các nhà khoa học đến từ Viện Đô thị thông minh và Quản lý (Đại học Kinh tế TPHCM), Phòng thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện (Đại học Công nghệ Thông tin), Công ty Cổ phần VLab và Sunny World Development & Management Corporation.
Mục tiêu nghiên cứu áp dụng nền tảng CityScope do MIT phát triển để mô phỏng và nghiên cứu sử dụng phát triển đô thị tại TPHCM. Đây là một nền tảng sử dụng các mô hình vật lý kết hợp với thuật toán, công nghệ thị giác máy tính, dữ liệu đô thị để tạo ra mô hình cho phép người dùng tương tác và thay đổi các yếu tố trong mô hình để kiểm chứng tương tác kinh tế - xã hội - vật lý của đô thị trong các kịch bản phát triển khác nhau.
Tại Việt Nam, mô hình này đã được áp dụng trong nghiên cứu quản lý nước sông Hồng tại Đại học Thủy lợi và từng được giới thiệu tại hội thảo “Tầm nhìn cho Đô thị sáng tạo tại TPHCM” năm 2018 và được lãnh đạo TPHCM quan tâm.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh: Việc MIT, một trong 5 trường đại học hàng đầu thế giới, và dẫn đầu ở lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ lựa chọn TPHCM là nơi đặt Phòng Nghiên cứu Khoa học Đô thị đầu tiên thuộc Mạng lưới Khoa học Đô thị tại Khu vực Đông Nam Á đã chứng minh cho sức hút của TPHCM.
Theo ông Lê Hòa Bình, TPHCM nhận thấy rằng, đi đôi với sự phát triển của TP hiện nay, áp lực lên khu vực đô thị của TP, cả các khu vực hiện hữu và các khu vực phát triển đô thị mới, ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các công cụ quản lý, phân tích, đánh giá truyền thống về quy hoạch và đô thị mà chính quyền TPHCM hiện đang áp dụng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển cũng như sự đa dạng và phức tạp của các yếu tố tác động lên đô thị nói chung và công tác quy hoạch nói riêng. Đó cũng là một trong những lý do để UBND TPHCM đưa ra những chính sách đột phá trong lĩnh vực phát triển và quản lý đô thị như Đề án Phát triển TPHCM trở thành Đô thị thông minh, Phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP và nay là TP Thủ Đức.
UBND TPHCM đánh giá cao nghiên cứu áp dụng nền tảng CityScope trong nghiên cứu, giả định, xây dựng và dự đoán sự phát triển đô thị tại những điểm nóng của TP. Đồng thời, UBND TPHCM hy vọng, sau thành công của dự án này, phòng nghiên cứu và các thành viên nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai mở rộng sang các khu vực khác của TPHCM để tăng cường hiệu quả và mở rộng phạm vi ứng dụng của nghiên cứu.
Nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu của phòng nghiên cứu đạt hiệu quả tốt nhất, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đề nghị Sở QH-KT TPHCM hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc trong quá trình tổ chức, thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Sở QH-KT báo cáo UBND TPHCM chỉ đạo.