Chiều 27-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, dự thảo Luật quy định trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách, Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo; bảo hiểm thuyền viên; bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị đối với tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ khai thác thủy sản xa bờ.
Quy định như vậy nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo của đất nước; huy động được nguồn lực từ xã hội, góp phần chia sẻ trách nhiệm xử lý rủi ro với người dân, giảm chi ngân sách nhà nước.
Về giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài để nuôi trồng thủy sản, ông Phan Xuân Dũng cho biết có 2 loại ý kiến.
Một là đồng ý có quy định giao khu vực biển cho đối tượng là người nước ngoài tham gia vào các dự án nuôi trồng thủy sản trong dự thảo Luật. Theo đó, Việt Nam có thể huy động nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao và hiện đại vào phát triển nuôi biển (một ngành kinh tế đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao).
Hai là đề nghị không nên quy định trong Luật vì đây là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, tương tự như dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này cũng không có quy định nội dung này. Về vấn đề này, đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với loại ý kiến thứ nhất, dự thảo Luật đã quy định giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.
Dự thảo Luật cũng đã đề xuất mức phạt tiền cao hơn, tới 7 lần giá trị vi phạm đối với hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp (theo quy định hiện hành, mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực thủy sản là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức), tương tự như đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, để đủ sức răn đe, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang bị suy kiệt nghiêm trọng.
Về kiểm ngư, dự thảo luật nêu rõ thành lập Kiểm ngư trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển. Kiểm ngư trung ương hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi. Kiểm ngư địa phương được thành lập trên cơ sở chuyển đổi, cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản địa phương (không tăng bộ máy, biên chế), thực thi pháp luật về thủy sản ở vùng lộng và ven bờ.
Thảo luận về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, dự thảo luật đã được chỉnh lý khá rõ, nghiêm túc.
Tuy nhiên, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển xa bờ dài ngày để tăng cường sự hiện diện của ngư dân đối với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
ĐB Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre), nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nay là Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nêu quan điểm Luật Thủy sản cần thể hiện rõ tinh thần phát triển ngành thủy sản hướng ra biển khơi, gắn liền với an ninh quốc phòng. Muốn thế, chính sách của Nhà nước đối với phát triển thủy sản phải bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng khu neo đậu trú bão cho tàu thuyền, xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản...
“Phải tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi thủy sản”, ĐB Nguyễn Việt Thắng chỉ ra.
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) tán thành có chính sách mua bảo hiểm hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản và ngư dân đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với ngân sách của nhà nước.
Về giao, cho thuê khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, ĐB Nguyễn Thanh Hiền và một số ĐB khác cho rằng để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia thì cần cân nhắc kỹ. Theo đó, dự án nuôi trồng thủy sản phải được thẩm định kỹ, nhất là khi cho tổ chức, người nước ngoài thuê.
Về cơ quan kiểm ngư, ĐB Triệu Thế Hùng. ĐB Nguyễn Việt Thắng, Nguyễn Thanh Hiền... đều tán thành thành lập kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư cấp tỉnh ở các tỉnh thành có biển, nhưng phải bảo đảm không phình bộ máy…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác về vấn đề này. Theo ĐB Phạm Minh Chính (đoàn Quảng Ninh), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, bộ máy chúng ta ngày càng phình to ra, trong khi chúng ta đang thực hiện tinh giản bộ máy. Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa ban hành về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng yêu cầu phải tinh gọn bộ máy, hiệu quả.
Vì vậy, theo đồng chí Phạm Minh Chính, cần làm rõ hơn về lực lượng kiểm ngư, kiểm ngư Trung ương, rồi địa phương nữa, vậy cơ chế vận hành như thế nào, phối hợp với các cơ quan liên quan ra sao. Vì khi thành lập sẽ phải có bộ máy, có con người, kinh phí hoạt động, trang thiết bị hoạt động…
“Nếu cứ như thế này thì bao giờ bộ máy mới tinh giản được. Nên cân nhắc về lực lượng kiểm ngư. Cần có tổng kết về hoạt động của lực lượng kiểm ngư, từ đó chỉ rõ cách thức vận hành, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp với các lực lượng chuyên ngành khác. Đề nghị nếu thông qua luật này thì chưa nên quy định về bộ máy kiểm ngư”, Trưởng Ban tổ chức Trung ương nêu ý kiến.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị có chính sách để bảo vệ ngư dân trước sự xâm hại của tàu cá nước ngoài.