Chỉ thị nêu rõ, BĐKH ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Do đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trong đó khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất thể chế điều phối vùng, trong đó thành lập Hội đồng điều phối vùng do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch; trình cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2019; hoàn thiện các cơ chế liên kết, hợp tác bao gồm liên kết các tiểu vùng, các địa phương trong vùng thông qua các mô hình liên kết hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp, người dân... Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung đầu tư nguồn lực để hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối đồng bộ giao thông ĐBSCL với TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hoàn thiện Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2019; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vùng ĐBSCL tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng giao UBND TPHCM tăng cường phát huy vai trò động lực thúc đẩy liên kết với các địa phương vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt trong kết nối hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị khép kín.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tăng cường nguồn lực và thu hút các nguồn vốn hợp pháp (gồm cả nguồn vốn xã hội hóa) trong đầu tư, đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho phát triển bền vững ĐBSCL.
Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế tài chính thu hút nguồn lực cho vùng ĐBSCL; các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương..