Thành lập Hiệp hội Yến sào Cần Giờ - TPHCM

Hiệp hội Yến sào Cần Giờ - TPHCM (CSFA) chính thức ra mắt sau Đại hội lần 1, nhiệm kỳ 2024-2029, tổ chức ngày 9-3-2024, tại Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Một sản phẩm tổ yến chế biến ở Cần Giờ đạt chứng nhận OCOP 4 sao (sản phẩm cấp tỉnh-TP, đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận quản lý chất lượng)
Một sản phẩm tổ yến chế biến ở Cần Giờ đạt chứng nhận OCOP 4 sao (sản phẩm cấp tỉnh-TP, đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận quản lý chất lượng)

Phát biểu tại đại hội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nghề (dẫn dụ) yến lấy tổ (yến sào) dù đóng góp còn rất khiêm tốn về giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản nhưng đây lại là ngành còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển. Do vậy, việc thành lập CSFA là dấu mốc quan trọng góp phần tập hợp nguồn lực phát triển nghề yến của TPHCM. Đặc biệt, huyện Cần Giờ có lợi thế rất lớn với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (khoảng 34.000 ha), nơi có nguồn thức ăn dồi dào, phong phú cho loài động vật này. Đồng thời, hiệp hội cũng cần tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu yến sào TPHCM, trong đó, yến sào Cần Giờ là chủ lực để giúp nâng cao giá trị tổ yến hơn nữa, xứng tầm là nơi có chất lượng tổ yến (nuôi) tốt cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, huyện Cần Giờ có 520 nhà dẫn dụ yến, sản lượng khoảng 15-20 tấn/năm (cả nước khoảng 200 tấn). Hiện nay, ngoài các đặc sản khác của Cần Giờ như khô cá dứa, xoài Cát, mãng cầu Long Hòa..., tổ yến Cần Giờ là sản phẩm OCOP nổi bật và có giá trị về mặt dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe con người.

Từ việc xây nhà (dẫn dụ) yến đầu tiên cuối những năm 1990 ở huyện Cần Giờ hiện nay đã lan rộng sang nhiều huyện khác của TPHCM cũng như các tỉnh thành. Sau dịch cúm gia cầm năm 2003, việc quản lý và kiểm soát dịch bệnh, quản lý tiếng ồn, chất thải từ nhà yến đến nay chưa có những tác động tiêu cực, nhưng không vì thế mà chủ quan, các cơ quan chịu trách nhiệm vẫn tiếp tục theo dõi, giám sát. Khó khăn chung của ngành yến TP và Cần Giờ là đến nay việc quy hoạch vùng nuôi yến chưa có, ngoại trừ việc TPHCM thí điểm 10 nhà yến từ đầu những năm 2.000 tại xã Tam Thôn Hiệp, nên những nhà yến còn lại chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để người dân yên tâm trong việc phát triển. Hy vọng việc ra đời CSFA sẽ giúp ngành yến Cần Giờ phát triển một cách an toàn - bền vững.

img-6344-6266.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Cần Giờ - TPHCM Trần Phương Tuấn (hàng thứ 2, bìa phải)

Hiệp hội Yến sào Cần Giờ - TPHCM có 50 hội viên ban đầu với đủ các thành phần trong chuỗi giá trị ngành yến (nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh).

Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 15 thành viên, Chủ tịch là ông Trần Phương Tuấn và 4 phó chủ tịch.

Tin cùng chuyên mục