Tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; cùng đông đảo các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương.
Lễ công bố thành lập Bảo tàng MTTQ Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là việc làm đầy ý nghĩa, thành kính dâng lên Bác - người sáng lập, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Mặt trận tưởng nhớ với lòng biết ơn sâu sắc các vị Chủ tịch Mặt trận đã quá cố: Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Lê Quang Đạo và các vị, các đồng chí lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận… những người đã tiếp thu và thể hiện xuất sắc tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cống hiến cho sự nghiệp vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, để lại những kinh nghiệm quý về tổ chức và công tác Mặt trận.
Bảo tàng sẽ tái hiện một cách sống động, chân thực quá trình lịch sử vẻ vang của Mặt trận. Bảo tàng sẽ mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc những trang sáng chói và để lại những kinh nghiệm lịch sử quý báu cho công tác Mặt trận, là nơi tuyên truyền, động viên toàn dân ta tiếp tục bước trên con đường bảo vệ và xây dựng đất nước.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, từ năm 2004, dù hạn chế về không gian, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập và xây dựng Phòng Truyền thống của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên, Phòng Truyền thống còn khiêm tốn về quy mô, hình thức và nội dung. Năm 2019, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Mặt trận, đến nay Bảo tàng MTTQ Việt Nam chính thức ra đời.
Tại buổi lễ, Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã đón nhận 318 tài liệu, hiện vật quý do các đơn vị, cá nhân hiến tặng.
Sau 3 năm phát động các tổ chức, cá nhân hiến tặng, tài liệu, hiện vật, đồng thời tổ chức khảo sát, sưu tầm trong cả nước, đến nay, đã sưu tầm, bổ sung thêm gần 1.000 tài liệu, hiện vật mới.
Ngoài chức năng tổ chức lưu giữ, trưng bày, khai thác giá trị của các hiện vật, Bảo tàng còn là nơi để nghiên cứu, phổ biến tri thức khoa học, lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập, giảng dạy của các tầng lớp nhân dân. Mặt trận kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay đóng góp công sức, tài liệu, hiện vật, trí tuệ để xây dựng Bảo tàng MTTQ Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.