Theo đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội nêu lên những bất cập, tìm ra giải pháp phù hợp trong thủ tục xuất khẩu; nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý về quy định, chính sách; thúc đẩy quản lý, thực thi ở địa phương từ đó vận động chính sách với cơ quan trung ương để giải quyết vướng mắc.
TP Đà Nẵng là 1 trong 6 địa phương thực hiện thí điểm việc thành lập cơ chế Tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương. Tuy nhiên, so với doanh nghiệp 2 miền đất nước, hơn 98% doanh nghiệp TP Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó lĩnh vực xuất khẩu chiếm số lượng ít.
Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động của dự án là một trong những nội dung của Kế hoạch triển khai các hoạt động khôi phục kinh tế TP Đà Nẵng sau dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, năm 2022, TP Đà Nẵng sẽ tập huấn hướng dẫn các điều kiện để tận dụng ưu đãi liên quan đến FDA, FTA, CPTPPP, EVFTA...; khảo sát, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp hướng đến phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; triển khai đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu, chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Ông Trần Phước Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo Tạo thuận lợi thương mại TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ việc thành lập Ban Chỉ đạo, TP Đà Nẵng sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn cho dự án trong 5 năm.
Mục đích cuối cùng là xây dựng và áp dụng các sáng kiến, kinh nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp ưu tiên trong xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh của TP Đà Nẵng và trở thành một hình mẫu tích cực về cơ chế tạo thuận lợi thương mại cấp địa phương cho các tỉnh, thành phố khác học tập.
“Đây là diễn đàn để các đơn vị doanh nghiệp TP Đà Nẵng đưa ra giải pháp thúc đẩy, thay đổi tiêu chí hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí không cần thiết trong lúc dịch bệnh còn phức tạp. Đồng thời, góp phần cải cách hành chính, gỡ bỏ những rào cản mang tính “giấy phép con” đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng”, ông Sơn nhấn mạnh.