Sức hút tranh triệu đô
Thống kê trong khoảng 5 năm qua từ nhà đấu giá Sotheby’s đã ghi nhận mức kỷ lục về doanh số cho tranh Việt Nam. Nếu tính tổng hai nhà đấu giá Christie’s (Anh) và Sotheby’s (Hồng Công), doanh số cho tranh Việt Nam xấp xỉ 43 triệu USD.
Trong phiên đấu giá Modern & Comtemporary Art (nghệ thuật hiện đại và đương đại) được nhà Sotheby's tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 8 vừa qua, bức tranh Vietnamese Lady của họa sĩ Lê Phổ đã thuộc về một nhà sưu tập Việt, gõ búa ở mức 781.200 SGD (hơn 13 tỷ VND). Trước đó, vào tháng 11-2017, bức tranh này cũng từng góp mặt trong phiên đấu giá của nhà Christie's với giá được gõ búa 725.000 HKD (2,16 tỷ VND).
Một ví dụ đưa ra để thấy trong vòng 5 năm trở lại, giá trị thương mại của tranh Việt trên sàn quốc tế tăng đáng kể. Cùng với đó là dư âm triển lãm “Hồn xưa bến lạ” do Sotheby’s lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, khiến giới sưu tập nhìn nhận thông điệp về tính thương mại cho thị trường tranh Việt sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Tại sao đến bây giờ, thị trường mỹ thuật Việt Nam mới thực sự sôi động? Nhiều nhà sưu tập, giám tuyển nghệ thuật phân tích, nó phản ánh một quy luật bất biến theo lý thuyết hệ thống nhu cầu của Abraham Maslow (tháp nhu cầu của con người từ thấp đến cao): Quan tâm tới giá trị tinh thần khi nhu cầu căn bản được thỏa mãn. Một số trong đó có nhu cầu về tinh thần, tìm thấy nghệ thuật như là một cách kết nối bản thân với người khác và cũng là một tham vọng ban đầu định danh cá nhân như là một nhóm “tinh hoa” mới.
Việc diễn giải sưu tập nghệ thuật như là một kênh để đa dạng đầu tư với kỳ vọng là nơi “trú ẩn” an toàn, khi giá trị tác phẩm nghệ thuật thường tăng theo thời gian. Sưu tập tranh được coi đáp ứng cho các phân khúc từ trang trí nhà cửa, giá trị tinh thần cho tới như một kênh trú ẩn về đầu tư. Thị trường nghệ thuật mà cụ thể là sưu tập tranh được quan tâm rộng rãi, là hệ quả của 3 lực đẩy trên cùng hội tụ vào một khoảng thời gian.
Kênh đầu tư… mạo hiểm
Báo cáo của Art Basel-UBS (Một hội chợ nghệ thuật quốc tế thuộc sở hữu tư nhân và tổ chức hàng năm tại Basel - Thụy Sĩ, Hồng Công - Trung Quốc và từ năm 2022 có thêm Paris - Pháp) năm 2021 về thị trường nghệ thuật thế giới đã gây bất ngờ: người từ 23 - 35 tuổi đã mua nhiều hơn “giá trị nghệ thuật” so với thế hệ trước đây.
lẫn giới sưu tập. Ảnh: HAKIO - Let’s Art
Tại Việt Nam, với thị trường nghệ thuật còn sơ khai, chưa thể có các thống kê tin cậy tương tự. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cơ sở tin tưởng, giới trẻ quan tâm tới mỹ thuật và sưu tập tranh, qua việc góp mặt trong các sự kiện triển lãm ngày càng nhiều. Nhà sưu tập tranh Hoàng Anh Tuấn phân tích: “Đầu tiên là thu nhập của số người trẻ tuổi tốt lên và họ có nền tảng học vấn tương đối cao hơn những người thế hệ trước. Thứ hai, họ tạo ra “làn sóng” khi nền tảng công nghệ, nhất là mạng xã hội như Instagram, Facebook đã làm cho nghệ thuật dễ tiếp cận hơn. Ba là, ở một chiều khác, dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi số trong nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có các thành phần của thị trường nghệ thuật. Nghệ sĩ cũng như các nhà trưng bày thích ứng bằng việc phát triển các triển lãm trực tiếp lẫn trực tuyến, đã thu hút một lượng lớn công chúng quan tâm, mở rộng đối tượng tiếp cận. Trong đó có nhiều người trước đây, vì nhiều lý do chưa thể dự triển lãm trực tiếp hay e ngại chuyện nghệ thuật chỉ dành cho người có tài chính, thì nay đã cởi mở hơn rất nhiều”.
Có thể thấy rõ thanh khoản tranh Việt những năm gần đây tăng nhanh và mạnh qua các phiên đấu giá. Tuy nhiên, để coi việc sưu tập tranh như một kênh đầu tư, cũng có không ít mạo hiểm. “Có hai rào cản. Một là về bản chất khó nắm bắt của việc sưu tập với hàng hóa là tác phẩm nghệ thuật. Tính thanh khoản có nghĩa là khả năng chuyển đổi từ bức tranh thành tiền, nó khó khăn đến độ gần như bằng không tại Việt Nam hiện tại, nếu coi đó là đầu tư ngắn hạn.
Bởi lẽ ta đang trong một nền mỹ thuật sơ khai, thiếu các thành phần hỗ trợ có được một thị trường nghệ thuật thứ cấp như: các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên hay nhà triển lãm đúng nghĩa. Và hệ quả là thiếu cả các tham chiếu tin cậy về giá cả và giá trị lượng hóa tài chính minh bạch. Thách thức thứ hai, là về bản chất khó khăn của việc coi sưu tầm như là đầu tư. Có thể sưu tập theo cảm xúc hay thẩm mỹ cá nhân nhưng đầu tư cần các kỹ năng khác hẳn như kiến thức về “due diligence” (tạm dịch: thẩm định), tìm hiểu, điều tra mọi góc độ của thương vụ, cảm nhận và hiểu thị trường”, nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Việc dự đoán các xu hướng nghệ thuật nào sẽ có giá trị là một thách thức lớn, đặc biệt là đối với những người mới tham gia thị trường nghệ thuật… Bởi thế mà giá tranh liên tục phá kỷ lục triệu USD, nhưng thị trường này lại không dễ nhảy vào.