Trước phiên sáng nay, giới đầu tư đón nhận thông tin tích cực từ cuộc họp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cuối tuần trước. Cụ thể, tại cuộc họp với 23 CTCK và các thành viên thị trường, UBCKNN yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của CTCK.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 là giá trung bình 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn thay vì giá đóng cửa phiên ATC để tránh những tác động đến thị trường cơ sở.
Đồng thời, UBCKNN cũng chỉ đạo đưa ra các biện pháp để sớm đưa TTCK Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi sớm nhất.
Nội dung của cuộc họp phần nào tạo nên sự lạc quan cho nhà đầu tư khi lệnh bán giá thấp giảm mạnh, trong khi lực cầu không còn e dè được đẩy lệnh lên bảng điện.
Chuyển biến tích cực này giúp cho bảng điện phủ kín sắc xanh, VN Index có thời điểm tăng “dựng đứng” hơn 33 điểm.
Tuy nhiên, diễn biến của thị trường thay đổi nhanh chóng trong phiên chiều khi nguồn cung giá thấp bất ngờ gia tăng ở nhóm CP có vốn hóa lớn. Việc nhóm CP trụ bị bán tháo đã tạo hiệu ứng “domino” sang các mã CP còn lại.
Áp lực bán ra khiến VN Index dần chuyển sang sắc đỏ và chốt phiên với số điểm giảm 2 con số. Cụ thể, chỉ số này chốt phiên hôm nay (16-5) với 10,82 điểm giảm (tương đương 0,91%) xuống còn 1.171,95 điểm.
VN Index dù giảm mạnh nhưng số mã tăng trong phiên lại nhỉnh hơn với 232 mã, so với 224 mã giảm và 45 mã giữ giá tham chiếu. Chênh lệch giữa nhóm mã tăng/giảm cũng thể hiện rõ nét hơn ở nhóm VN30. Cụ thể, số mã giảm là 11, trong khi số mã tăng và đứng giá lần lượt là 16 mã và 3 mã.
Đáng chú ý là 11 mã giảm trong rổ VN30 có sự góp mặt của gần như tất cả những mã CP có tác động lớn đến chỉ số như: BVH (giảm 5,5%), GAS (5%), MSN (6,9%), SAB (3%), VIC (1,3%), VNM (0,5%), VHM (3,2%).
Việc nhóm CP trụ này bị “đạp” về cuối phiên khiến cho nhiều nhà đầu tư có thêm lý do nghi ngờ thị trường “méo mó” vì giao dịch phái sinh.
Thanh khoản bất ngờ sụt giảm so với phiên cuối tuần trước với 584,3 triệu CP khớp lệnh, tương đương 14.577 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu trong tất cả các nhóm thép, phân bón, hóa chất, bảo hiểm, thuỷ sản… cũng giảm sàn la liệt kéo VN-Index từ tăng gần 33 điểm xuống giảm gần 12 điểm khi chốt phiên, tức giảm khoảng 35 điểm trong phiên.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,82 điểm (0,91%) xuống 1.171,95 điểm. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, VN30-Index giảm 8,68 điểm (0,71%) xuống 1.215,08 điểm. Thanh khoản thị trường giảm mạnh khoảng 26% so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 15.548 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch này, khối ngoại vẫn mua ròng gần 260 tỷ đồng ở sàn HoSE.