Tính đến thời điểm 20-12-2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 16,47%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 14,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,88%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%.
Lãi suất huy động trong năm cũng được coi là tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhìn chung, cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Thị trường bảo hiểm năm 2017 cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính đạt 105.600 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 28,9%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 40.600 tỷ đồng, tăng 10,6%.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước tính đạt 302.900 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2016. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm năm 2017 đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2016.