Quang cảnh hội nghị |
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở nhiều lĩnh vực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư FDI và đang là quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong số này, có nhiều dự án quy mô lớn đã đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân, động lực lan tỏa không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ như: Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (với tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ USD), Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (2,8 tỷ USD), Nhà máy xi măng Nghi Sơn (650 triệu USD),…
Từ năm 1997 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thực hiện 10 chương trình, dự án ODA với tổng vốn 45,5 triệu USD. Ngoài ra, từ năm 1992 đến năm 2022, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã thực hiện 24 dự án viện trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch,…
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có 13.346 tu nghiệp sinh sang làm việc tại các xí nghiệp Nhật Bản, trong các ngành nghề dệt may công nghiệp, lắp ráp điện tử, gia công cơ khí, chế biến, xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng,…
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử; về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động; tiếp nhận thêm các dự án viện trợ ODA sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị…
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị |
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cam kết: “Luôn luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp”; cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định; sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam cho biết, hiện nay mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang là mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh châu Á. Mối quan hệ hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng…, đặc biệt sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả đáng kể.
Các đại biểu Việt Nam - Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị |
Ông Nikai Toshihiro bày tỏ, Thanh Hóa là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú như Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và nhiều bãi biển tươi đẹp. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa còn có Khu Kinh tế Nghi Sơn được trang bị hệ thống cảng biển hiện đại và nhà máy phát điện. Từ đó, có thể thấy rằng tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế du lịch với Nhật Bản.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng là một một tỉnh được biết đến đã đưa được rất nhiều thực tập sinh có kỹ năng sang Nhật làm việc. Ngoài ra, số lượng người Việt Nam hiện đang cư trú và sinh sống tại Nhật Bản lên đến 490.000 người, đứng thứ 2 trong tổng số người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. Họ đã góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.