Sáng 29-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, năm 2021 và 7 tháng năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 13,41% đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 31.183 tỷ đồng, vượt 11% dự toán năm 2022, tăng 61% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 50 dự án đầu tư trực tiếp (có 4 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 10.733 tỷ đồng và 41 triệu USD…
Mục tiêu 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, cả năm 2022 đạt 12,2% trở lên, vượt kế hoạch (kế hoạch 11,5%); thu ngân sách phấn đấu đạt 8.817 tỷ đồng trở lên, cả năm đạt 40.000 tỷ đồng trở lên, vượt dự toán (dự toán là 28.143 tỷ đồng trở lên).
Để phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động của Cảng hàng không Thọ Xuân cả về hàng không quân sự và hàng không dân dụng, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và Nhà ga hành khách T2 theo Quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Cho chủ trương đầu tư đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 6 dài khoảng 89 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi; tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thanh Hóa đất rộng người đông, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội. Với dân số đông thứ 3 cả nước, nguồn lực con người là tài nguyên quan trọng.
Theo Chủ tịch nước, mặc dù chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, tuy nhiên kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; đặc biệt 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước, thu ngân sách bằng 93,6% đạt cao nhất từ trước đến nay, cho thấy "sức khỏe" nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới và đạt kết quả tích cực; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong hệ thống Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả này do sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, với quyết tâm chính trị cao, tinh thần dám nghĩ, dám làm; đoàn kết, thống nhất, biến ý chí thành hành động.
Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 2,5% quy mô GDP cả nước. Thu ngân sách lớn, song khả năng tự chủ ngân sách còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập. Lĩnh vực nông nghiệp năng suất lao động thấp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao thành công không nhiều, công nghiệp có giá trị gia tăng nội địa thấp, thiếu những sản phẩm có khả năng cạnh tranh quốc tế và mang dấu ấn Việt Nam; phát triển du lịch còn nhiều hạn chế và nút thắt, tốc độ đô thị hóa chậm, thu nhập của người dân còn thấp, chất lượng giáo dục, đào tạo và y tế còn chưa cao. Với những bất cập, hạn chế như vậy, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển toàn diện nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường.
Để đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh tận dụng tốt các cơ chế đặc thù Trung ương đã chấp thuận, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá.
Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh trên cơ sở tích hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động với tầm nhìn dài hạn. Xóa bỏ tư duy và tầm nhìn cục bộ địa phương, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Chủ tịch nước lưu ý, Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Tập trung nguồn lực đầu tư hình thành được một trường đại học có chất lượng cao, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tỉnh cần chắt chiu nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Xóa bỏ các rào cản nhằm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, các tiện ích. Đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Về những kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ, triển khai kịp thời.