Tiếp tục phiên họp thứ ba, sáng 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Nâng hạn mức dư nợ vay lên 60%
Trình bày báo cáo của Chính phủ về dự thảo này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.
“Hiện nay, Quốc hội đã cho phép TPHCM và TP Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù này, với mức dư nợ vay không vượt quá 90%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thêm.
Chính phủ cũng đề xuất hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định, hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng).
Chính sách đặc thù tiếp theo là ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh. Đây là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, theo Luật Ngân sách.
Về quản lý đất đai, dự thảo nghị quyết quy định, HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo Luật Đất đai, việc này cần có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.
Có thể mở rộng chính sách đặc thù
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, mặc dù có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính sáng tạo, tránh rập khuôn. Cần chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa… để tạo tiền đề cho Thanh Hóa giữ được vị trí là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước và tiếp tục phát triển năng động, bền vững trong những năm tiếp theo.
Về những cơ chế cụ thể, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên.
Một số ý kiến tán thành việc giao HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển đổi đối với diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng chỉ trong phạm vi diện tích hiện đang thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, giao HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha đến dưới 50ha. Còn từ 50ha trở lên thì phải thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định hiện hành.
“Chuyển mục đích từ 50ha dứt khoát phải ra Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý sẽ trình Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH quyết định khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 50ha trở lên.
Nhìn chung, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy.
Về tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng địa phương có thể nghiên cứu thêm thuế nhà ở, vì thuế này gắn với chính quyền địa phương.
“Thanh Hoá có thể đi đầu thí điểm, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, TPHCM”, Chủ tịch Vương Đình Huệ khuyến nghị.
Tổng kết nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới đây.
UBTVQH cho rằng cần mở rộng phạm vi của nghị quyết, nghiên cứu thêm về chính sách đặc thù trong đầu tư, phân cấp, về bộ máy biên chế… UBTVQH cũng thống nhất nghị quyết có hiệu lực từ năm 2022 và thực hiện trong 5 năm.
Nhất trí ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế |