Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát thực tế tại cảng Nghi Sơn, tháng 11-2023 |
Những “quả ngọt” sau 10 năm hợp tác
Cách đây 10 năm, ngày 15-5-2013, tỉnh Thanh Hóa và TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 15 dự án lớn của các nhà đầu tư đến từ TPHCM, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.100 tỷ đồng.
Trong số này có các dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai, như: Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, tổng mức đầu tư 21.480 tỷ đồng; Nhà máy Thu hồi nhiệt thừa phát điện trong Khu kinh tế Nghi Sơn, tổng mức đầu tư 448 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 6 - Cảng tổng hợp Nghi Sơn, tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng; Khu nhà ở và dịch vụ phục vụ Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng mức đầu tư 1.228 tỷ đồng; Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng...
TPHCM, Thanh Hóa và một số địa phương phía Bắc, Bắc Trung bộ ký kết hợp tác đầu tư, tháng 3-2023 |
Hiện nay, một số dự án cụm công nghiệp đang được hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư trong thời gian tới, như: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hà Long II (huyện Hà Trung), tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tân Thọ (huyện Nông Cống), tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của TPHCM tổ chức hoạt động kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị CoopMart, Nguyễn Kim,…
Mời gọi đầu tư vào “3 trụ cột”, “4 trung tâm”, “6 hành lang”
Nhằm duy trì và triển khai các thỏa thuận hợp tác trước đó, ngày 25-3-2023, TPHCM tiếp tục ký kết Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn |
Ngay sau lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã triển khai kế hoạch hành động, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư TPHCM đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh, trong đó tập trung nghiên cứu, đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm kinh tế động lực và 6 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh.
Cụ thể, 3 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch. 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn); Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng). 6 hành lang phát triển kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Bắc Nam, Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Đông Bắc, Hành lang kinh tế trung tâm, Hành lang kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng mời gọi các nhà đầu tư TPHCM nghiên cứu, đầu tư một số trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp, nhà ở xã hội, cao ốc hiện đại tại các thị xã, TP: Thanh Hóa, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn; đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thi công san lấp mặt bằng tại Khu kinh tế Nghi Sơn để đón các nhà đầu tư |
Nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Thanh Hóa
Với lợi thế như một “Việt Nam thu nhỏ”, Thanh Hóa có đầy đủ các điều kiện nhà đầu tư cần, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế. Thanh Hóa có đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam,… đi qua, có Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn,… và đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước.
Khi đầu tư dự án vào Khu kinh tế Nghi Sơn, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, như: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước; miễn từ 11 đến 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề dự án. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thực hiện dự án đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.
Được ví như một "Việt Nam thu nhỏ", Thanh Hóa có đủ các điều kiện để đón các nhà đầu tư đến đầu tư |
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Đối với dự án đầu tư mới được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
Về thuế nhập khẩu: Miễn thuế nhập khẩu hàng hoá để tạo tài sản cố định, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ phục vụ dự án đầu tư, phương tiện đưa đón công nhân... Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ khi dự án đi vào sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, khi nhà đầu tư đầu tư vào các khu công nghiệp trong và ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn cũng đều được hưởng những chính sách ưu đãi, đặc biệt là về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất - nhập khẩu,…
Đối với các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng/chuyến; vận tải biển nội địa bằng container qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 300 triệu đồng/chuyến.
Các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển container qua cảng Nghi Sơn, nếu mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa sẽ được hỗ trợ 2.000.000 đồng/container loại 20feet, 3.000.000 đồng/container loại 40feet. Nếu không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa, doanh nghiệp vẫn được hỗ trợ 700.000 đồng/container với loại 20feet, 1.000.000 đồng/container với loại 40feet.
Với cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, Thanh Hóa sẽ là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư |
Trong quá trình mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn thể hiện rõ cam kết: “Luôn luôn đồng hành, luôn luôn là đối tác tin cậy, lâu dài của doanh nghiệp, nhà đầu tư”; cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp cận đất đai, cung cấp nguồn nhân lực, lao động đảm bảo chất lượng; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ mức thấp nhất trong khung quy định; luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.